Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Bàn lại về Đôxtôiepxki
và tư tưởng cách mạng dân chủ Nga những năm 1870
qua tiểu thuyết "Lũ người quỷ ám"
Đỗ Hải Phong
 
Trên con đường xây dựng một xã hội mới công bằng hơn, việc nhìn nhận lại những chân giá trị của chủ nghĩa nhân đạo quá khứ là vô cùng cần thiết. Chúng ta có thể rút ra nhiều bài học lớn từ kho tàng tư tưởng của “những người khổng lồ” trong quá khứ, những người có thể không cùng quan điểm triết học, chính trị với chúng ta, nhưng có chung một lòng yêu thương bao la đối với con người. Đôxtôiepxki với di sản văn học đồ sộ của ông không phải là một ngoại lệ.
Lũ người quỷ ám là một trong năm cuốn tiểu thuyết lớn có tính chất kinh điển của Đôxtôiepxki, là một thành tựu của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo trong văn học thế giới. Những biến động về chính trị, xã hội trên thế giới trong những thập kỉ gần đây và những phát hiện mới về tư liệu đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại một cách xác đáng hơn việc coi Lũ người quỷ ám như “một tác phẩm thiên tài nhất và độc ác nhất trong vô số những hành động bôi nhọ phong trào cách mạng những năm 70” (M.Gorki)[1], và qua đó nhìn nhận lại vấn đề Đôxtôiepxki với những tư tưởng cách mạng dân chủ Nga thời kì này.
Cuộc cải cách nông nô nửa vời năm 1861 và hậu quả của nó là khủng hoảng về kinh tế, chính trị, xã hội đã gây sự bất mãn trong đông đảo quần chúng nhân dân Nga những năm 60 - 70 của thế kỉ XIX. Phong trào dân chủ bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn tìm phương hướng, biện pháp hành động, giai đoạn thâm nhập lí tưởng vào thực tế quần chúng. Nhiều tư tưởng dân chủ những năm 40 được xem xét lại và ứng dụng dưới góc độ thực tiễn trước mắt, đặc biệt là quan niệm về nhân dân và vai trò của họ trong cuộc đấu tranh xoá bỏ chế độ cũ. Cùng với sự phát triển của tư tưởng cách mạng dân chủ chân chính, trong không khí nôn nóng hành động chung, tư tưởng hư vô chủ nghĩa (nihilisme) ở một số không ít các phần tử tự coi là cách mạng chuyển hoá rộng rãi thành chủ nghĩa vô chính phủ (anarchisme). Chính hoạt động của những tổ chức vô chính phủ mệnh danh cách mạng đã bôi nhọ và gây ảnh hưởng tiêu cực tới phong trào đấu tranh của đông đảo quần chúng tiến bộ.
Năm 1869, cả châu Âu xôn xao bởi tin tức về vụ giết người của hội kín “Sự trừng phạt của nhân dân” dưới sự lãnh đạo của Xergây Nhêtsaiep: Một hội viên của hội này - anh sinh viên Viện Nông nghiệp Pêtrôp ở Matxcơva I. Ivanôp - vì tỏ thái độ không đồng tình với những hành động vô chính phủ của hội, xin ra khỏi hội, đã bị quy tội phản bội và bị thủ tiêu một cách dã man ngày 21 tháng 11 năm 1869, xác bị vứt xuống hồ trong công viên Razumôpxki. Nhêtsaiep cùng với bốn thành viên trực tiếp tham gia vào vụ này bị bắt đã nhận tội. Nhêtsaiep còn nhận rằng hội hoạt động theo cương lĩnh do M. Bacunhin - lãnh tụ của phong trào vô chính phủ quốc tế - vạch ra. Sau một thời gian điều tra, báo chí Nga và nước ngoài còn công bố bản “Kinh bổn của người cách mạng” và những tài liệu bí mật khác của nhóm Nhêtsaiep được soạn thảo theo tư tưởng của Bacunhin. Trong “Kinh bổn” có đoạn viết: “Công việc của chúng ta - hủy diệt một cách khủng khiếp tất cả, toàn bộ, không thương tiếc... chúng ta liên kết với thế giới kẻ cướp, họ là những người cách mạng chân chính duy nhất ở nước Nga... một xã hội bẩn thỉu... Người cách mạng khinh bỉ mọi chủ nghĩa kinh viện và chối bỏ mọi khoa học đời thường... Đối với người cách mạng chỉ có một khoa học duy nhất - khoa học tàn phá... Trong người cách mạng tất cả những tình cảm họ hàng, bè bạn, tình yêu, lòng biết ơn và thậm chí cả danh dự phải được nén lại bởi lòng trung thành lạnh lùng duy nhất đối với công việc cách mạng... Người cách mạng ngày đêm chỉ có một mục đích duy nhất - phá hủy không thương tiếc”[2]. Sau này Mác, Ăngghen với sự tham gia của P. Laphag, trong bài viết “Liên minh dân chủ xã hội chủ nghĩa và phong trào công nhân quốc tế” (1873), đã chỉ trích những lời lẽ hoa mĩ của Bacunhin - Nhêtsaiep như “sự biện hộ cho những cuộc mưu sát chính trị” với mục đích thiết lập “chủ nghĩa cộng sản trại lính”, hoạt động của những kẻ “phá hoại vô chính phủ”, những kẻ “phiêu lưu chính trị” này “hướng những cú đánh không phải vào tầng lớp thống trị mà vào chính những người cách mạng”[3].
Trong thời gian ở nước ngoài Đôxtôiepxki đã nhiều lần gặp Bacunhin và rất bất bình khi trực tiếp nghe bài phát biểu của ông ta tại Đại hội lần thứ nhất “Liên minh thế giới và tự do” ở Giơnevơ ngày 28 tháng 9 năm 1867. Vụ án Nhêtsaiep như giọt nước cuối cùng làm tràn bát nước công phẫn trong lòng nhà văn. Lúc này, đang ở Đrezđen phác thảo đề cương cuốn tiểu thuyết Vô thần về vấn đề nền tảng đạo đức tôn giáo và chủ nghĩa xã hội, nước Nga và châu Âu, ông quyết định viết một cuốn tiểu thuyết đả kích (roman-pamphlet) mang tính chính trị luận đề lấy đề tài là vụ giết người của tổ chức Nhêtsaiep. Trong thư cho người bạn là nhà phê bình N. Xtrakhôp, nhà văn tuyên bố “muốn nói cho hết, dù có phải hi sinh tính nghệ thuật của tác phẩm”[4]. Nhưng trong quá trình sáng tác cho đến khoảng tháng 10 năm 1870, cuốn tiểu thuyết tiến triển rất chậm: những nguyên tắc nghệ thuật của Đôxtôiepxki không cho phép ông viết một tác phẩm thuần túy luận đề. Sau một thời gian tìm hiểu bản chất của những hành động vô chính phủ, nhà văn đi đến kết luận rằng Nhêtsaiep như một kẻ phiêu lưu, đầu cơ chính trị không đủ tầm vóc tư tưởng để làm nhân vật trung tâm của tiểu thuyết, nhân vật trung tâm phải có một tính cách khác thường, phải bao quát được các nhân vật khác. ý đồ chính trị trăn trở chuyển hoá thành ý đồ nghệ thuật. Nhiều ý tưởng của đề cương tiểu thuyết Vô thần (lúc này đã biến chuyển thành phác thảo của bộ sử thi Đời của kẻ tội đồ vĩ đại) đã ảnh hưởng trực tiếp tới cuốn tiểu thuyết mới, giúp cho việc nâng cao tầm tư tưởng của tác phẩm, tạo tính cách và ý tưởng cho nhân vật trung tâm. Ngày 20 tháng 10 năm 1870, Đôxtôiepxki thông báo cho M. Katcôp, ông chủ bút tạp chí “Người đưa tin Nga” (nơi dự định sẽ đăng tác phẩm mới này), rằng cái chết của Ivanôp (trong tác phẩm là Satôp) bởi bàn tay của Nhêtsaiep (Piôtr Verkhôvenxki) vẫn là “một trong những sự kiện chính của cuốn tiểu thuyết, nhưng nó chỉ là hoàn cảnh phụ trợ cho hành động của nhân vật trung tâm. Nhân vật này (Nhicôlai Xtavrôghin) cũng đen tối, cũng là kẻ ác. Nhưng tôi cảm thấy rằng đây là một nhân vật bi kịch. Tôi ngồi viết bản trường ca về nhân vật này vì từ lâu đã muốn miêu tả nó... Tôi lấy nó ra từ trái tim.”(T., II, 288-289). Như vậy, cùng với sự xác lập tính cách và tư tưởng của nhân vật trung tâm - Nhicôlai Xtavrôghin - cuốn tiểu thuyết đả kích đã được chuyển hóa thành tiểu thuyết trường ca, tiểu thuyết bi kịch và tính luận đề của nó đã được tác giả dung hòa với tính nghệ thuật. Sau một vài tháng, về cơ bản tác phẩm đã thành hình, Đôxtôievxki vừa viết vừa gửi đăng tải trên tạp chí “Người đưa tin Nga” năm 1871 - 1872 dưới nhan đề Lũ người quỷ ám (Бесы).
Với Lũ người quỷ ám, Đôxtôiepxki muốn tìm đến tận ngọn nguồn và những cực đoan của tư tưởng hư vô chủ nghĩa không phải chỉ để chỉ trích mà còn để thấy rõ tấn bi kịch của nước Nga những năm 70: khi chế độ nông nô mục ruỗng và ý thức hệ tư sản dần thắng thế, lí tưởng tự do (bắt nguồn từ những năm 40) chưa tìm được chỗ dựa trong “gốc nền”[5] đạo đức dân tộc đã phát triển thành những quái thai tư tưởng trong ý thức của tầng lớp trí thức quý tộc cũng như công chức, tạo điều kiện cho chủ nghĩa vô chính phủ lan rộng, đẩy nước Nga đến bờ vực thẳm.
Như tác giả đã xác định, bề mặt sự kiện của cuốn tiểu thuyết là những hành động của “lũ người quỷ ám” vô chính phủ. Piôtr Verkhôvenxki, thành viên của một tổ chức bí mật, từ Thụy Sĩ trở về một thành phố tỉnh lẻ của nước Nga, nơi xảy ra những sự kiện chính của tiểu thuyết, để tổ chức những hành động phá hoại đồng thời “thi hành bản án” đối với Satôp, một thành viên cũ do bất đồng tư tưởng đã xin ra khỏi hội. Lợi dụng sự hèn yếu của chính quyền, sự sùng bái những “tư tưởng mới”, tính hiếu danh của tầng lớp quý tộc (đặc biệt là của vợ thị trưởng - Iulia Mikhailôpna) và sự ngu dốt dễ bị kích động của tầng lớp tiểu thị dân địa phương, Piôtr đã gây được sự hỗn loạn trong thành phố, liên kết với những phần tử trộm cướp như Phêđka - tù khổ sai vượt ngục - giết người, đốt nhà, lấy trộm của nhà thờ, làm nhục ảnh thánh. Y lập được một nhóm năm người tiểu thị dân rải truyền đơn, kích động quần chúng. Nhóm năm người này còn được Piôtr bố trí để giết Satôp (đồng thời lấy máu kết chặt họ lại thành một tổ chức). Piôtr Verkhôvenxki thể hiện rõ là một kẻ đầu cơ chính trị. Mục đích cuối cùng của y là tiếm ngôi, nắm lấy quyền bính, cai trị nhân dân còn tàn tệ hơn trong chế độ hiện hành. Với chủ nghĩa cá nhân cực đoan, gạt sang một bên mọi ý niệm về đạo đức (Piôtr trở về thành phố còn với mục đích đòi tiền của ông bố và bòn tiền của Xtavrôghin). “Con người hành động” theo ý thức hệ tư sản[6] ấy không từ một thủ đoạn nào, sử dụng người khác và lí tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội như công cụ để thực hiện mục đích của mình. Trên trang tiểu thuyết, ba lần y thú nhận: “Tôi là kẻ lừa đảo chứ không phải là người theo chủ nghĩa xã hội”[7]. Sử dụng một cách khôn khéo lí thuyết của Sigaliôp (một thành viên trong nhóm năm người)[8], Piôtr “kêu gọi phá hủy... nổi lửa đốt phá... bắt đầu sự hỗn loạn, sự tàn phá chưa từng thấy” nhân danh một xã hội mới trong đó “mỗi thành viên phải dò xét người khác và báo cáo về họ. Mỗi người thuộc về tất cả và tất cả thuộc về mỗi người. Tất cả đều là nô lệ và bình đẳng trong kiếp nô lệ. Trong những trường hợp đặc biệt có thể vu khống và giết người... Trước hết, trình độ giáo dục, khoa học và nghệ thuật phải được hạ thấp xuống... không cần giáo dục, không cần khoa học... nhưng phải tổ chức sự phục tùng... chúng ta sẽ gieo rắc sự nghiện ngập, gièm pha và tố cáo lẫn nhau; chúng ta sẽ bóp nát mọi thiên tài ngay từ trong trứng... chúng ta, những kẻ cai trị, sẽ lo việc đó. Lũ nô lệ bao giờ cũng cần có kẻ cai trị... Phục tùng tuyệt đối, phi nhân cách triệt để, nhưng Sigaliôp ấn định cứ ba chục năm một lần phải kích động cho họ xâu xé nhau, dĩ nhiên trong một giới hạn nào đó, để ngăn ngừa họ khỏi nhàm chán... Trong hệ thống Sigaliôp không có ham muốn... ham muốn và đau khổ dành riêng cho chúng ta, còn những kẻ nô lệ chỉ cần có hệ thống Sigaliôp.” (10, 322-325).
Tuy nhiên, Lũ người quỷ ám không chỉ đơn thuần là tác phẩm đả kích những hành động vô chính phủ và lừa đảo của Piôtr Verkhôvenxki, đằng sau những hành động của kẻ phiêu lưu chính trị là cuộc đấu tranh tư tưởng của “kẻ tội phạm vĩ đại”- Nhicôlai Xtavrôghin. Xtavrôghin là con trai một của bà điền chủ quý tộc giàu có nhất thành phố - Varvara Pêtrôpna, là một thanh niên thông minh xuất chúng với bộ mặt đẹp đến mức tưởng như vẻ đẹp khuôn mẫu đã đạt tới đỉnh điểm đọng lại như một chiếc “mặt nạ”(10, 37) gây cảm giác ghê sợ. Xtavrôghin là điểm phát triển tột cùng của loại hình tượng “người thừa” trong văn học Nga (Epghênhi Ônhêgin, Pêtsôrin). Từ nhỏ, được giáo dục bởi tư tưởng tự do tuyệt đối không bị bất cứ một nền tảng đạo đức nào trói buộc, Xtavrôghin đã đạt tới mọi cực điểm của tư tưởng này. Trong ý thức của “kẻ tội phạm vĩ đại” song song tồn tại những tư tưởng, ham muốn trái ngược nhau nhưng không tư tưởng nào, ham muốn nào tìm được chỗ dựa, niềm tin, sự bền vững. Là người “có năng khiếu phạm tội phi thường” bởi “thấy khoái cảm như nhau khi làm một việc thiện cũng như một việc ác”(10, 201), Xtavrôghin lạm dụng tình dục của bé gái mười bốn tuổi Matriôsa làm cô bé treo cổ tự tử, cưới cô thọt Maria ngớ ngẩn làm vợ mặc dầu chỉ cảm thấy khinh bỉ cô ta, cướp vợ Satôp rồi bỏ mặc cô ta bụng mang dạ chửa, cùng một lúc quyến rũ hai cô gái, Đasa (em gái của Satôp từ nhỏ được nhà Xtavrôghin cưu mang) và Liza (con gái nhà quý tộc láng giềng). Xtavrôghin coi tất cả những hành động ấy chỉ như những cuộc thử nghiệm để tìm một chỗ dựa, một niềm tin cho chính bản thân mình, cũng tương tự như việc viết cương lĩnh cho hội của Piôtr Verkhôvenxki, truyền bá tư tưởng dân tộc, tôn giáo cho Satôp, đồng thời gợi cho một con người bất hạnh khác là Kirillôp tìm đến tư tưởng vô thần cực đoan - thuyết “con người - Thượng đế”[9], hay như việc véo mũi một nhà quý tộc trước công chúng, cắn tai ông thị trưởng, hôn vợ một thị dân giữa đông đảo khách khứa trong ngày sinh nhật của cô ta. Những “hành vi trái ngược, phi lí”[10], mang tính vị kỉ và sự khinh miệt người khác sâu sắc này không đem lại cho Xtavrôghin cái cần tìm mà chỉ mang tới sự dằn vặt khôn nguôi trong tâm hồn. Hình ảnh bé Matriôsa bị làm nhục treo cổ trong góc tối với câu nói trước lúc chết “Con giết Chúa rồi” luôn hiện về ám ảnh. Tư tưởng nhân đạo của Đôxtôiepxki không cho phép ánh sáng lương tri tắt ngay cả trong tâm hồn người bị “quỷ ám” khủng khiếp đến như vậy.
 Khi bắt đầu sự kiện của tiểu thuyết, Xtavrôghin trở về thành phố quê hương với mục đích công bố bản “tự thú” và báo cho Satôp biết dự định của Piôtr. Nhưng, qua những cuộc gặp gỡ bí mật với Kirillôp, Satôp, cô thọt Maria, cha đạo Tikhôn, “kẻ tội phạm vĩ đại” nhận thấy sự bế tắc của những tư tưởng xa rời “gốc nền” đạo đức dân tộc, thấy mình không đủ nhiệt tình và ham muốn để thực hiện đến cùng bất kì một ý tưởng nào, ý thức được sự bất lực của mình trên con đường tìm đến cái Thiện: thiếu ý niệm về đạo đức và tình yêu thương cụ thể đối với con người, ngay cả những hành động hướng thiện cũng sẽ mang màu sắc vị kỉ (dự định cứu Satôp thiếu tình thương yêu và sự kính trọng đối với anh ta cũng như việc công bố bản “tự thú” thiếu sự tôn trọng đối với những người đọc nó thực chất chỉ có thể trở thành “hành vi phi lí”, vô nghĩa). Thất vọng, Xtavrôghin để mặc cho Piôtr lôi mình vào những tội lỗi mới. (Để mua chuộc Xtavrôghin làm “thái tử Ivan” trong công cuộc tiếm ngôi của mình, Piôtr bố trí cho Phêđka đốt nhà, giết cô thọt Maria cùng anh cô ta, tạo điều kiện cho Liza hiến mình). Cuối cùng không chịu nổi sự dằn vặt của lương tâm, Xtavrôghin quyết định tự sát để “quét sạch khỏi trái đất một thứ sâu bọ ghê tởm”(10, 514).                
Tư tưởng hư vô chủ nghĩa, chủ nghĩa cá nhân cực đoan những năm 70, theo Đôxtôiepxki, bắt nguồn từ tư tưởng của các nhà tự do dân chủ những năm 40. Đại diện cho tư tưởng này trong Lũ người quỷ ám là Xtêpan Trôphimôvits Verkhôvenxki, cha đẻ của Piôtr và thầy học của Xtavrôghin từ nhỏ. Không phải ngẫu nhiên cuốn tiểu thuyết mở đầu bằng lời giới thiệu về tiểu sử của “nhân vật quốc gia đại sự” này. Xtêpan Trôphimôvits là điển hình cho những người theo trường phái lãng mạn tự do chủ nghĩa, sùng bái phương Tây, phổ biến ở Nga những năm 40. Hào hứng đón nhận những tư tưởng dân chủ từ phương Tây du nhập vào mà không kết hợp được với “gốc nền” đạo đức dân tộc trong nhân dân, lớp người này đã biến những tư tưởng tiến bộ thành vật trang sức, tạo mốt trong những salon văn học, còn chính bản thân mình thì trở thành những “kẻ sống nhờ”. Sau hai mươi năm sống bằng sự trợ giúp của Varvara Pêtrôpna, xây ảo tưởng về cái tôi huyễn hoặc với những “ý tưởng tiến bộ” của mình, Xtêpan Trôphimôvits phải thốt lên: “Tôi chỉ là... chỉ là một kẻ ăn bám, không hơn không kém!”(10, 26). Sự khuếch đại ý niệm về cái tôi cá nhân, chủ nghĩa duy lí vị kỉ xa rời thực tế ở những người như Xtêpan Trôphimôvits đã đặt nền móng cho chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa cá nhân cực đoan phát triển ở thế hệ của Piôtr và Xtavrôghin. Điều đáng sợ là thế hệ mới phá vỡ mọi ràng buộc đạo đức không chỉ bằng ý tưởng mà còn bằng hành động. Mọi lí tưởng đều bị tầm thường hóa. Ngay cả ý niệm về cái đẹp vốn bất di bất dịch đối với những nhà tự do dân chủ cũng bị gạt bỏ và lăng nhục. Nhận thức được một phần trách nhiệm của mình trong việc tạo dựng những quái thai tư tưởng của thời đại mới, nhận thức được sự xa rời thực tế đời sống nhân dân và kiếp sống thừa của mình, khi xảy ra sự hỗn loạn trong thành phố, Xtêpan Trôphimôvits phát biểu trước đông đảo quần chúng, kêu gọi mọi người quay trở lại với những giá trị đạo đức, tinh thần, rồi bỏ nhà ra đi “trên đường lớn” tìm đến với nhân dân, trở về với “gốc nền”. Ông chết trên con đường lớn ấy trong sự thức tỉnh: “Tôi đã suốt đời nói dối. Thậm chí cả khi nói những điều tưởng như sự thật. Tôi chưa bao giờ nói vì chân lí, mà chỉ nói vì bản thân mình”(10, 497). Nhưng ông chết với niềm tin vào một nước Nga sẽ được tái sinh, như trong kinh Phúc âm, Luca đã nói về lũ người quỷ ám biến thành đàn lợn lao xuống hồ để người ốm siêu thoát được ngồi dưới chân đức Chúa Giêsu[11]. Ông thốt lên trong cơn hấp hối: “Những loài quỷ quái yêu ma xuất khỏi người bệnh và nhập vào lũ lợn… Đó là tất cả những gì đau nhức khó chịu, tất cả những yêu khí độc, tất cả những nhơ nhuốc, tất cả lũ quỷ và tiểu yêu tích tụ hàng thế kỉ trong nước Nga đau ốm của chúng ta... Có lẽ chúng đã nhập vào đàn lợn rồi! Đó là chúng tôi, chúng tôi và bọn kia, Piôtr và đồng bọn; chúng tôi sẽ lao từ bờ đá chênh vênh xuống biển, có lẽ tôi là kẻ đầu tiên, tất cả chúng tôi điên loạn sẽ chết đuối hết... Nhưng người bệnh sẽ khỏi và ngồi dưới chân Chúa Giêsu” (10, 499). Kẻ hấp hối đã nói lên những ước vọng sâu kín nhất của chính Đôxtôiepxki, nói lên niềm tin vào sự hồi sinh của nước Nga, niềm tin rằng cái ác ẩn kín trong tâm hồn những con người tội lỗi sẽ đến lúc bị tiêu diệt.
Như vậy, với Lũ người quỷ ám, Đôxtôiepxki đã phản ánh sự phát sinh, phát triển có tính quy luật của các dạng thức tư tưởng tự do vô chính phủ, đồng thời chỉ rõ sự khác biệt của những tư tưởng này với những tư tưởng cách mạng dân chủ chân chính. Trên trang bản thảo của Lũ người quỷ ám, Piôtr Verkhôvenxki tuyên bố: “Thực chất, tôi mặc xác, tôi chẳng đếm xỉa gì đến vấn đề nông dân có được giải phóng hay không, công việc của họ tốt hay xấu. Kệ cho Xernơ-Xalaviôvits và bọn lạc hậu Tsernưsepxki quan tâm đến điều đó. Chúng ta khác, anh biết rồi đấy, xã hội càng tồi tệ càng tốt”(11, 159). Đôxtôiepxki phân biệt rõ những lí tưởng cao đẹp của Biêlinxki, Tsernưsepxki với những “tư tưởng đường chợ” vô chính phủ. Không thể coi Lũ người quỷ ám như một “hành động bôi nhọ phong trào cách mạng” chân chính. Tấn bi kịch của nước Nga những năm 70 với sự phát triển tràn lan tư tưởng tự do vô chính phủ đã được chính Lênin thừa nhận[12]. Mác, Ăngghen còn nhận định hoạt động của các tổ chức vô chính phủ thời kì này đã làm chậm công việc của Quốc tế cộng sản lại hai năm[13]. Hơn nữa, phản đối những hành động phá hoại của bè lũ vô chính phủ, Đôxtôiepxki đã chỉ ra cả sự mục ruỗng của chính quyền Sa hoàng với những Thị trưởng Lemke, những tên mật thám Phôn Blum, với tầng lớp quý tộc thối nát.
Tất nhiên, Đôxtôiepxki không phải là một nhà văn cách mạng. Ông bất đồng tư tưởng với những nhà cách mạng dân chủ về vấn đề bạo lực cách mạng, vấn đề dân tộc và vấn đề tôn giáo. Đôxtôiepxki chủ trương cải cách xã hội bằng việc củng cố đạo đức, tính nhân bản trong mỗi con người. Ông cho rằng động lực của cuộc cải cách này là niềm tin tôn giáo, nhưng không phải là một niềm tin giáo điều mà cụ thể là niềm tin vào hình tượng Chúa Giêsu như một mẫu mực đạo đức. Ông viết: “...người ta phê phán (Cơ đốc giáo) như một giáo lí không hợp thời. Mà ở đó thực ra không có giáo thuyết, chỉ có những lời nói tình cờ, cái chính là hình tượng Đức chúa Kitô... Từ hình tượng này nảy sinh ý nghĩ rằng tất cả những thành tựu và mục đích của nhân loại đều là kết quả của đạo đức. Hãy tưởng tượng rằng nếu tất cả đều như Đấng Kitô liệu có thể tồn tại sự ngả nghiêng, chao đảo, bần cùng như bây giờ hay không”[14]. Với ý niệm về một Chúa Giêsu tràn đầy tình yêu thương và sự tôn trọng đối với từng con người cụ thể, Đôxtôiepxki không chấp nhận Công giáo (Catholique) phương Tây với hệ thống pháp hình, pháp quan chà đạp lên nhân phẩm của con người. Mục đích không thể biện hộ cho phương tiện. Ông cho rằng Chính giáo (Orthodoxe) ở Đông Slavơ trung thành hơn với ý tưởng nhân đạo của Chúa. Theo ông, nước Nga với tư tưởng Chính giáo sẽ trở thành “dân tộc mang mình Chúa” giúp cho nhân loại trở về với “gốc nền” đạo đức. Đại diện cho tư tưởng này trong Lũ người quỷ ám chính là Satôp, Cha Tikhôn và sự bừng tỉnh của Xtêpan Trôphimôvits khi hấp hối. Tuy nhiên, Đôxtôiepxki không coi quan điểm về niềm tin tôn giáo của mình là bất di bất dịch. Việc tiếp xúc với những tư tưởng cách mạng dân chủ của Biêlinxki và Tsernưsepxki (ông đã từng bị kết án tử hình và bị đi đày khổ sai vì những tư tưởng ấy) không phải là không để lại dấu ấn trong tâm hồn nhà văn. Suốt cuộc đời ông dằn vặt trong những suy tư về niềm tin tôn giáo và phi tôn giáo. Trước câu hỏi của Xtavrôghin “Anh có tin vào Thượng đế không?”, Satôp - nhân vật chính diện của Lũ người quỷ ám – chỉ có thể trả lời ngập ngừng: “Tôi... tôi sẽ tin vào Thượng đế”. Chính nhà văn đã từng có lúc trăn trở: “Chủ nghĩa xã hội cũng là một niềm tin đầy nhiệt huyết... người ta từng so sánh với Cơ đốc giáo... Nếu không có tôn giáo thì phải thay thế bằng một nền tảng đạo đức khác”[15]. Nền tảng đạo đức mới ấy Đôxtôiepxki chưa thấy được bởi, như chính ông nhận xét, ở nước Nga lúc ấy những tư tưởng xã hội chủ nghĩa bị “biết bao kẻ lừa đảo lợi dụng. Mà có biết bao kẻ ngu ngốc ngoài đường chợ sẵn sàng dính dáng với chúng”[16]. Đó là những kẻ như Piôtr Verkhôvenxki, cùng bè lũ như Liamsin, Sigaliôp...         
Những nhà nghiên cứu Xô viết từ cuối những năm 60 của thế kỉ này đã nhìn nhận lại chân giá trị của Lũ người quỷ ám như một tác phẩm chống chủ nghĩa vô chính phủ[17]. Còn chính Đôxtôiepxki gọi tác phẩm của mình là tiểu thuyết cảnh tỉnh. Ông viết nó vì tương lai của nước Nga, vì tương lai của xã hội loài người. Với sắc thái phản ảo tưởng, cuốn tiểu thuyết của Đôxtôiepxki không chỉ có ý nghĩa thời sự đối với thời đại của ông.
Lũ người quỷ ám ra đời đã được gần một trăm ba mươi năm. Trong thời gian ấy không ít kẻ đã đi theo vết xe đổ của những tư tưởng từng bị Đôxtôiepxki chỉ trích. 
Không thể không thấy trong học thuyết “Ngoài vòng thiện ác”, tư tưởng “siêu nhân” của F. Nietzsche và thuyết “phi lí” của chủ nghĩa hiện sinh ở phương Tây thế kỉ XX có bóng dáng ý tưởng của Kirilôp - Xtavrôghin về “con người -Thượng đế”. Khi nhận Đôxtôiepxki làm thầy, những nhà triết học này đã cố tình không nhận thấy lời nguyền rủa của nhà văn đối với những tư tưởng phi nhân tính ấy.
Mô hình nhà nước của chủ nghĩa phátxít những năm 40 và bè lũ diệt chủng Pônpôt - Iêngxari những năm 70 - 80 làm chúng ta nhớ đến học thuyết Sigaliôp - Verkhôvenxki. Đôtxtôiepxki đã báo trước sự không thể tồn tại của một xã hội chà đạp lên tính mạng và nhân quyền của con người như thế.
Còn biết bao nhiêu lí tưởng cao đẹp bị bọn lừa đảo tầm thường hóa, xuyên tạc và lợi dụng trên thế giới này. Lũ người quỷ ám là lời cảnh tỉnh cho các triết gia, các nhà khoa học phải cẩn thận hơn trong việc truyền bá tư tưởng của mình. Không phải ngẫu nhiên mà A. Anhxtanh tuyên bố: “Đôxtôiepxki cho tôi nhiều hơn bất cứ một nhà tư tưởng nào, nhiều hơn cả Gauxơ”. Có lẽ cái nhiều hơn cả mà Anhxtanh tiếp thu được ở nhà văn Nga vĩ đại là tinh thần trách nhiệm của nhà tư tưởng với những phát kiến của mình. “Người cha của bom nguyên tử” cũng là người lên tiếng cảnh tỉnh các nhà khoa học không để cho những phát minh vì con người của mình được sử dụng để hủy diệt con người.   
Nhà thơ Anh Wystan Hugh Auden có một câu nói rất hay về Đôxtôiepxki: “Xây dựng một xã hội trên cơ sở những điều Đôxtôiepxki đã nói là không thể được, nhưng xã hội nào quên những điều ông nói không xứng đáng được gọi là xã hội loài người”.
Với Lũ người quỷ ám, Đôxtôiepxki kêu gọi trở về với cội nguồn đạo đức dân tộc, trở về với tính người trong mỗi con người. Lời kêu gọi ấy chúng ta nghe thấy hôm nay, khi xây dựng một xã hội mới thấm đượm tinh thần nhân đạo vốn có trong truyền thống của dân tộc ta. Chúng ta hi vọng rằng mọi lí tưởng tốt đẹp của xã hội ta đều sẽ được thực hiện một cách tốt và đẹp như Đôxtôiepxki hằng mong muốn cho tương lai nước Nga yêu quý của ông. 
 
(Bài đăng trong "Kỉ yếu hội nghị khoa học kỉ niệm 80 năm Cách mạng tháng Mười Nga". ĐHQG Hà Nội - Tháng 10 / 1997).


[1].    Nguyễn Trường Lịch trích dẫn lời nói này của M. Gorki như lời giới thiệu duy nhất về Lũ người quỷ ám trong Từ điển văn học (T.1. Hà Nội, NXB KHXH, 1983, tr.220).
[2].    Những tội phạm quốc gia ở Nga thế kỉ XIX. T.1.S. Pêterburg, 1906, tr.184 - 185.
[3].    C.Mác và Ph.Ăngghen. Tác phẩm. M.,1955-81. T.18, tr.412-419, 521-526.
[4].    Ph.M. Đôxtôiepxki. Thư tín. M.-L.,1928-59.T.2, tr.257. Xuất xứ những trích dẫn về thư tín của Đôxtôiepxki trong bài sẽ được báo tắt trong ngoặc đơn trên văn bản: số La Mã chỉ số tập, số ảrập chỉ số trang.
[5].    Thuật ngữ của Đôxtôiepxki “почвеничество” - còn dịch là: “thuyết mảnh đất”). Thuyết này của anh em nhà Đôtxôiepxki (cùng với A. Grigôriep, N.Xtrakhôp) chủ trương quay về với đạo đức Chính giáo trong ý thức hệ dân tộc.
[6].    “Như một thế giới quan, chủ nghĩa vô chính phủ là mặt trái của tính tư sản” (V.I. Lênin. Toàn tập. M,.1958-65. T.12, tr.104).
[7].    Ph.M. Đôxtôiepxki. Toàn tập: 30t. L.,1972-90. T.10, tr.324-325. Xuất xứ những trích dẫn từ bộ sách này tiếp theo sẽ được báo tắt trong bài, trong ngoặc đơn: số ảrập in nghiêng chỉ số tập, số ảrập thường chỉ số trang.
[8].    “Xuất phát từ tư tưởng tự do tuyệt đối và kết thúc bằng tư tưởng chuyên chế tuyệt đối” vì hạnh phúc của “con người nói chung”, Sigaliôp, tác giả “hệ thống tổ chức thế giới” mới, đề nghị “chia nhân loại làm hai phần không đồng đều. Một phần mười sẽ được hưởng quyền tự do cá nhân tuyệt đối và có quyền hạn vô biên đối với số chín phần mười còn lại. Số này sẽ phải từ bỏ nhân cách, trở nên đại loại như đàn súc vật, chịu sự phục tùng tuyệt đối để dần trở về với sự trong trắng nguyên thủy trong một thiên đường nguyên thủy” (10, 311-312). Để mau chóng đạt tới “thiên đường trên trái đất” một thành viên khác của nhóm năm người -Liamsin - còn đề nghị “đem số chín phần mười nhân loại ấy nổ tung lên không trung”(10, 312-313).      
 
[9].    Được Xtavrôghin gợi ý, Kirillôp đi đến quyết định chứng minh bằng hành động ý tưởng về sự tự do tuyệt đối của con người không có Thượng đế:  con người tự hủy bỏ cuộc sống của mình lúc nào mình muốn để trở thành Thượng đế của số phận mình, không phụ thuộc vào bất cứ một ai hay bất cứ một ý niệm đạo đức nào. Kirillôp tự sát, nhưng không chứng minh nổi ý tưởng của mình: vì vẫn yêu cuộc sống tha thiết, anh vật lộn với cái chết một cách khủng khiếp cho đến phút chót. Kirillôp trở thành vật hi sinh cho chính ý tưởng của mình, ngay cả cái chết cũng còn bị Piôtr lợi dụng: y dụ được Kirillôp viết giấy nhận là đã giết Satôp.
[10].   Về những “hành vi trái ngược” này xem bài viết của nhà nghiên cứu Hunggari A. Côvats (Slavica XI. Debrecen, 1984, tr.123-140.).
[11].   Phúc âm Luca đoạn VIII, câu 32-36. Đoạn này được trích làm đề từ cho Lũ người quỷ ám.
[12].   V.I. Lênin. Toàn tập. T.41, tr.15.
[13].   C.Mác, Ph.Ăngghen. Sđd.
[14].   Vở ghi chép của Ph.M. Đôxtôiepxki. M.,1935, tr.292.
[15], 2. Vở ghi chép của Ph.M.Đôxtôiepxki. Sđd, tr.312.
 
[17].   Xem những bài viết của V. Rôzenblat (1965), B. Cuznhesôp (1968),
Iu.
Cuđriapsep (1969), B. Xutscôp (1971).

1 nhận xét: