TẢN MẠN VỀ N.GOGOL VÀ VĂN HỌC, CUỘC ĐỜI
Như nhiều nhà văn vĩ đại khác trong lịch sử
văn học thế giới, N.Gogol là một bí ẩn lớn.
V.Belinski coi Gogol là ngọn cờ đầu của
“trường phái tự nhiên”. Nhà phê bình muốn khuôn Gogol thành hình mẫu của cái mà
các nhà lí luận nửa sau thế kỷ XIX gọi là “chủ nghĩa hiện thực”. Chernưsepski
đưa ra thuật ngữ “khuynh hướng Gogol” là để chỉ cái mà M.Gorki sau này gọi là
‘chủ nghĩa hiện thực phê phán”. Đi ngược lại lịch sử, hoàn toàn có thể chứng
minh một cách thuyết phục rằng sự đối lập hai thế giới thực tại và ước vọng
trong sáng tác của Gogol bắt nguồn từ cảm quan lãng mạn Đức cuối thế kỷ XVIII
đầu thế kỷ XIX; ước vọng khai sáng “ngây thơ đến kỳ vĩ” và khả năng châm biếm
mang màu sắc triết học của ông sinh ra từ ấn tượng về thế kỷ Ánh sáng; quan
niệm về sự đồi bại xã hội như hệ quả đam mê của con người làm Gogol xích lại
gần với các nhà văn Cổ điển chủ nghĩa, cái lo âu trong sáng tác của ông bắt
nguồn từ cảm quan baroque thế kỷ XVII; quan niệm về con người và Tự nhiên toàn năng
cùng với tính “nghịch dị” trong sáng tác của ông gần với “pantheism” của Chủ
nghĩa nhân văn Phục hưng; quan điểm của Gogol về chức năng “thanh lọc” tâm hồn
của tiếng cười gần với quan niệm về “catharsis” trong bi kịch của Aristotel.
Quay trở lại với những trải nghiệm đắng cay của con người từ thế kỷ XX đến nay,
có thể nói Gogol là một trong những nhà tiên tri cho cuộc sống vô nghĩa đến phi
lý của con người trong thời đại “Chúa trời đã chết!”.
Gogol là tất cả, nhưng chẳng là ai. Cố “đưa
nhà văn vào khuôn khổ”, ta thường rơi vào tình huống “thày bói xem voi”, hoặc
cố ép, hoặc phải “chặt bớt” một số bộ phận của chỉnh thể nhất quán mang tên gọi
“Gogol”. Nói một cách hình tượng, bó nhà văn vào khuôn, “cái mũi” có phần kỳ dị
của ông thò ra như cười nhạo chúng ta.
Muốn có một hình dung về Gogol đúng với thực
thể của nhà văn đã từng tồn tại là điều không tưởng. Ta chỉ có thể có một Gogol
qua tiếp nhận văn bản của ông trong thời đại của chúng ta. Mà mỗi người cũng
chỉ có thể nói về tiếp nhận riêng của mình: “mã văn hoá” của thời đại kết hợp
với vốn sống, vốn tri thức, khả năng “tiêu hoá” tri thức và khả năng “đọc sâu”
của từng người xây dựng nên hình dung riêng của mỗi người về nhà văn “của
mình”. Riêng mà vẫn chung ở một góc độ nào đó, bởi ta không thể nói “lời của
mình” mà không chịu ảnh hưởng dù là vô thức của “lời người khác”. Trao đổi với
nhau những hình dung riêng một cách tương đối ấy chúng ta có một Gogol với
nhiều gương mặt, một Gogol “hoà nhập mà không hoà tan” muôn vàn “cái tôi” rất
khác nhau mà giống nhau đến kỳ lạ của chúng ta.
Điều đó liệu có cứu vãn được gì chăng?
Trong mắt tôi, thế giới nghệ thuật của Gogol
là một thế giới phi lý đến đáng cười, đầy lo âu đến hãi sợ, nhưng đồng thời
chính nỗi lo âu ấy lại nhen nhóm và gìn giữ ngọn lửa hy vọng vào một thế giới
tốt đẹp hơn trong tương lai. Hy vọng “ngây thơ đến kỳ vĩ” ấy đã từng tồn tại
trong lòng những người đi trước Gogol như Dante, Cervantes, Shakespeare,
Pushkin... và vẫn tồn tại ở những nhà văn thế hệ sau như Dostoevski, Chekhov,
nó không tắt cả ở những nơi tưởng như không còn chỗ cho nó, như trong Văn học
phi lý thế kỷ XX: trong cảm thức vô vọng người ta vẫn “chờ Godo” như chờ cái
cây khô chợt nảy “một nhành xanh”.
Văn học là một trò chơi từ lúc được khai
sinh, người ta muốn thông qua nó để dạy đời, rồi học đời, rồi lại muốn giải
phóng nó khỏi mọi phạm trù nghiêm túc trả lại nó cái hồn nhiên, vô tư của một
trò chơi. Nhưng ngay cả khi đó, nó vẫn vô thức “nói lên một điều gì đó” hết sức
nghiêm túc trong cuộc đời. “Không gào lên một thông điệp nào cả” thực chất lại
là thông điệp được gào lên một cách thảm thiết nhất. Chán văn bản “đại tự sự”,
hay nói như Kant là “lý tính thuần tuý” ta tìm đến với “diễn ngôn” về phái
tính, sắc tộc, văn hoá. Hoá ra khi tìm về với “bản năng gốc” của con người, tìm
về với “cội nguồn văn hoá”, ta thấy ta vô thức vẫn mong một người nào khác,
cùng giới hay khác giới, cùng sắc tộc, văn hoá, hay khác sắc tộc, văn hoá quan
hệ với mình không phải chỉ bẳng “hấp lực thể xác”, hay để thoả mãn “khát khao
quyền lực”, “mưu lợi”. Vô thức ta vẫn mong ta không xa lạ với người khác và với
chính mình.
Đến bao giờ ta mới đốt được bản thảo cuộc
đời tệ hại của mình giống như Gogol, Bulgakov? “Bản thảo không cháy” quả là một
bi kịch khủng khiếp! Gogol hoá điên có lẽ cũng vì ý thức này!
(HP - 10/4/2009)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét