Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014





Cảm quan không gian - thời gian định mệnh
trong “Truyện  Kiều” và “Truyện Xuân Hương”
 Đỗ Hải Phong

 

Nhà nghiên cứu văn hoá Nga A.Ia.Gurevich trong cuốn sách “Các phạm trù văn hoá Trung cổ” có đưa ra một quan niệm về không gian và thời gian như sau: “Không gian được quan niệm như một hình thức có khoảng trải đồng đều, hình học, có ba chiều, có thể phân cắt thành những khoảng chiếu ứng được với nhau. Thời gian được quan niệm như sự kéo dài thuần tuý, sự diễn ra theo trình tự không đảo ngược lại được của những biến cố từ quá khứ đến tương lai thông qua hiện tại...Thời gian và không gian được tư duy như những khái niệm trừu tượng chỉ sử dụng chúng thì mới xây dựng được những bức tranh về một vũ trụ hợp nhất, mới xác định được tư tưởng về một vũ trụ thống nhất và tổ chức có qui luật... Không gian và thời gian không chỉ tồn tại một cách khách quan, chúng còn được con người ý thức và thể nghiệm một cách chủ quan[1].
Trong cảm quan về không gian và thời gian của con người trung đại Phương Đông, yếu tố định mệnh, huyền thoại đóng một vai trò quan trọng, nó xác lập một cảm quan duy tâm về một vũ trụ thống nhất tất cả những điều lý giải được và không lý giải được. Cảm quan định mệnh chi phối và thực tế đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong các nền văn hoá Đông Phương. Hình dung về định mệnh và thái độ đối với nó phần nào xác định gương mặt của một dân tộc, một thời đại lịch sử, một nền văn hoá Đông Phương. Hình dung và thái độ ấy phản ánh vào những tác phẩm văn học nghệ thuật được coi là điển hình cho dân tộc, thời đại lịch sử hay nền văn hoá đó.
“Truyện Kiều” (“Đoạn trường tân thanh”) của Nguyễn Du và “Truyện Xuân Hương” đều được thừa nhận là đỉnh cao của văn hoá dân tộc Việt Nam và Triều Tiên trong giai đoạn lịch sử khi chúng ra đời. “Truyện Kiều” của Nguyễn Du được sáng tác vào những năm cuối thế kỷ XVIII hoặc những năm đầu của thế kỷ XIX[2] khi văn học Trung đại Việt Nam bắt đầu chuyển mình để bước vào thời kỳ Cận đại. “Truyện Xuân Hương” của Triều Tiên, theo Cho Dong Il, xuất hiện từ đầu thế kỷ XVIII[3], khi “Korea cũng tiến đến một chặng đường phát triển tương tự như tiến trình lịch sử ở Việt Nam thời đại Truyện Kiều”[4]. Nếu như “Truyện Kiều” được coi là “quốc hoa... quốc hồn... quốc tuý”[5] của dân tộc Việt, thì “Truyện Xuân Hương” cũng là “một tác phẩm mẫu mực xuất sắc của dân tộc Hàn quốc”[6].
“Truyện Kiều” và “Truyện Xuân Hương” đều là sản phẩm của văn học trung đại Đông Phương, ít nhiều đều phản ánh hệ thống quan niệm về thế giới huyền thoại - định mệnh vừa có thể mang tính chất phật học, nho học, vừa mang tính chất dân gian. Hệ thống quan niệm này chi phối tổ chức không gian và thời gian của cả hai tác phẩm ở các mức độ khác nhau.
Trong bài phát biểu này chúng tôi sẽ nêu một vài ý kiến nhận xét về cảm quan không gian và thời gian định mệnh, huyền thoại trong “Truyện Kiều” và “Truyện Xuân Hương” và qua đó phần nào xác định một vài điểm tương đồng và khác biệt giữa hai tác phẩm văn học của hai nền văn hoá Việt Nam – Triều Tiên trong thế kỷ XVIII – XIX.
Với mục đích trên, chúng tôi có mong muốn góp thêm một vài ý kiến về một đề tài thực tế đã từng được đề cập đến nhưng ở diện rộng hơn trong luận án tiến sỹ của nhà nghiên cứu Bae Yang Soo “So sánh Truyện Kiều và Truyện Xuân Hương” (Hà nội, 2001)[7]. 
Trong bài này, xuất phát từ hướng tiếp cận thi pháp và lịch sử văn hoá, chúng tôi vận dụng những phương pháp cụ thể như phân tích, đối chiếu và so sánh dựa trên văn bản phổ biến của hai tác phẩm bằng tiếng Việt. Đối tượng nghiên cứu là cảm quan không gian và thời gian định mệnh, huyền thoại có thể cảm thụ được qua bản dịch phần nào cho phép và làm giảm nhẹ hạn chế của chúng tôi là không tiếp xúc trực tiếp được với văn bản tiếng Hàn của “Truyện Xuân Hương”[8].
Trong quá trình đối chiếu chúng tôi luôn lưu ý đến sự khác biệt về mặt thể loại của hai tác phẩm (“Truyện Kiều” là truyện thơ, còn “Truyện Xuân Hương” là tiểu thuyết diễn xướng - p’ansori).
Trong cảm quan của con người thời gian và không gian luôn được ý thức như một thể thống nhất xác định những hình thái vận động và phát triển của thế giới. Theo nhà nghiên cứu văn học M.Bakhtin, trong tác phẩm văn học “những đặc điểm thời gian được thể hiện trong không gian, còn không gian được ý thức và đo bằng thời gian”[9]. Chính vì vậy trong bài nghiên cứu này chúng tôi cố gắng phân tích và đối chiếu đồng thời cả những biểu hiện không gian lẫn thời gian định mệnh, huyền thoại trong hai tác phẩm đã cho, không phân tách thành những phần riêng biệt, để thấy được cảm quan về thế giới thống nhất trong các tác phẩm này. 
I. Không gian - thời gian định mệnh trong “Truyện Kiều”
“Truyện Kiều” mở đầu bằng câu:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau...
...Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
“Tài mệnh tương đố” và “bỉ sắc tư phong” là thuyết nho học vốn đã được đề cập đến trong lời bình tương truyền là của Kim Thánh Thán ở đầu chương sách “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm tài nhân[10]. Trong “Truyện Kiều” Nguyễn Du đã triển khai học thuyết này một cách tập trung hơn Thanh Tâm tài nhân và kết hợp nó với thuyết “nghiệp báo”, “luân hồi” của nhà Phật:
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa...
...Kiếp xưa đã vụng đường tu,
Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi.
Chữ mệnh và chữ nghiệp vận vào thân phận nàng Kiều ngay từ đầu tác phẩm tạo ra một dự cảm không bình ổn[11].
Trước mọi biến cố, Kiều sống bình lặng trong không gian nhỏ hẹp, khép kín của  gia đình. Thiết tưởng trong hoàn cảnh ấy Kiều chưa thể có một kinh nghiệm sống cay đắng nào, ấy vậy mà nàng đã có thể soạn ra “Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân” như thể một “khúc nhà” rồi. Nhà ở đây hay ở cõi nào trước cuộc sống này mà đã buồn đến vậy? Và tiếng não nuột đó là tiếng dội của quá khứ “kiếp xưa” hay dự cảm về tương lai cay đắng của kiếp này? Cảm thức về mạch chảy của thời gian định mệnh ám ảnh cả cảnh êm đềm của không gian làm cho con người dường như phải gồng mình lên để cố giữ sự bình lặng của bên trong bởi đã bắt đầu ý thức về sự vận động lôi cuốn đáng sợ của bên ngoài: “Êm đềm trướng rủ màn che, / Tường đông ong bướm đi về mặc ai”.
Cần phải nói thêm rằng ở đây không chỉ có sự cuốn đi không thể cưỡng được của nghiệp chướng, mà còn có cả sự lôi cuốn của tình người nữa. Nhìn từ góc độ định mệnh, số phận long đong lưu lạc của Kiều có thể được lý giải bằng nghiệp chướng của kiếp trước và “tài tình” của nàng ở kiếp này: “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”.  Nàng Kiều không chỉ có tài mà còn có tình nữa. Tình người muốn ra ngoài trời rộng. Bởi vậy mà cả “trướng rủ màn che”, cả “tường đông”, cả “khoá xuân” và cả ý thức “mặc ai”... tức là những rào cản vật chất và tinh thần ngăn cách không gian bên trong và bên ngoài cuối cùng cũng không giam hãm được nàng Kiều[12].
Chữ tình trong “Truyện Kiều” có liên quan tới một khía cạnh khác của định mệnh là chữ duyên. Trong “Truyện Kiều” chữ “duyên” được dùng 46 lần[13]. Chữ duyên là một yếu tố vừa mang cảm thức định mệnh vừa thể hiện qui luật của tình người. Nó vừa là duyên số, duyên kiếp (“duyên phận”, “quả kiếp nhân duyên”, “duyên trời”, “duyên nợ”, “trần duyên”, “nghiệp duyên”...), vừa là cả duyên tình (“duyên đôi lứa”, “duyên Châu Trần”, “duyên hài”, “duyên hội ngộ”, “duyên kỳ ngộ”, “duyên đằm thắm”, “tơ duyên”...). Cả hai thứ duyên ấy có thể nối tiếp nhau mà đến, đem tới những ám ảnh vui buồn lẫn lộn. Vào ngày lễ Thanh minh Kiều vừa nao nao dự cảm về “kiếp hồng nhan... bạc mệnh” khi viếng mả Đạm Tiên, thì ngay sau đó đã nhen nhúm tình yêu trong cuộc gặp gỡ với Kim Trọng. Trong cả hai cuộc gặp gỡ đó Nguyễn Du đều nhấn mạnh hình ảnh cây cầu bắc qua dòng nước như biểu tượng của nhân duyên: “Nao nao dòng nước uốn quanh,/ Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”; “Dưới cầu nước chảy trong veo,/ Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”.
Hai cuộc gặp gỡ để lại trong Kiều những vấn vương trăn trở cho đến khi nàng đã về nhà, trở lại với không gian khép kín của mình:
Người mà đến thế thì thôi,
Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi!
Người đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
Tình yêu cũng như số mệnh đều do một chữ duyên, căn nguyên của nó tưởng như huyền bí mà thực đều từ sự gần gũi của cái tâm mà ra cả.
Đạm Tiên là hồn ma nên dễ dàng xuyên qua “bóng nguyệt xế mành”, “sịch bức mành” hiện về trong giấc mơ tại chính nhà Kiều ngay sau buổi lễ Thanh minh. Đạm Tiên “vượt mành” vào khuấy động không gian bình lặng, khép kín của Kiều là bởi trong Kiều đã có sẵn dự cảm chẳng lành về số phận thể hiện qua “thiên Bạc mệnh”, lại sẵn lòng đồng cảm với người tài hoa mệnh bạc đã qua đời, vùi thân nơi hiu hắt.
Kim Trọng là người trần nên gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình “vượt tường” đến với Kiều. Chàng tìm Kiều, gặp phải cảnh “Thâm nghiêm kín cổng cao tường”, thì lại dọn đến ở vườn “Lãm Thuý” cạnh nhà Kiều để “Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông”. Phải mất gần hai tháng mới gặp được người ở “cách tường” để rồi “Bậc mây rón bước ngọn tường” tỉ tê. Cuối cùng chàng đạt được mục đích cũng bởi nàng Kiều sẵn “Tình trong như đã” mà chủ động phá rào cản: “Gót sen thuăn thuắt dạo ngay mái tường”, rồi: “Lần theo núi giả đi vòng,/ Cuối tường dường có nẻo thông mới rào./ Xắn tay mở khoá động đào...”
Vận động từ trong ra ngoài là để đến với nhau, mà cũng là để chia tay nhau mà ra đi. Không gian ly biệt với biểu tượng “đường xa”, “đoạn trường” trong “Truyện Kiều” thuộc về cảm thức định mệnh với tất cả những khắc khoải, trăn trở, lo lắng. Cảm thức này xuất hiện trong Kiều ngay sau buổi đi lễ Thanh minh về: “Rộn đường gần với nỗi xa bời bời”; “Một mình lưỡng lự canh chầy,/  Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”. Hầu như tất cả các con đường và không gian xa trên bước đường lưu lạc của Kiều đều phấp phỏng lo âu và tràn ngập cảm giác cô đơn của thân phận[14]. Trên bước đường lưu lạc đó cái “xa” còn gắn liền với cái “rộng” đến rợn ngợp: “Chân trời mặt bể lênh đênh”; “Mênh mông nào biết bể trời nơi nao”... Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử khi nói về không gian tha hương trong “Truyện Kiều” đã phân tích những hình ảnh “hoa trôi bèo dạt”, “mặt nước cánh bèo”, “nước trôi hoa rụng”, “chiếc bách sóng đào”... như biểu tượng của thân phận Kiều và đi đến kết luận: “Đây đúng là cảm nhận về không gian xuất hiện trong tâm linh nhân vật, nhưng chính cảm nhận này đã in dấu vào không gian vật chất”[15]. Cảm thức về định mệnh in dấu ấn bi kịch lên không gian và thời gian của “Truyện Kiều”. Bởi vậy thời gian hành động trong ngày của các nhân vật cũng chủ yếu là khi chiều xế “bóng tà”, đêm khuya, hoặc khi còn chưa rạng sáng. Mùa thu (vốn là mùa biểu tượng của biệt ly và cũng gắn bó với cảm thức thời gian định mệnh) cũng xuất hiện trong “Truyện Kiều” nhiều hơn các mùa khác, thậm chí có lúc mùa thu kéo dài bất chấp cả logic trình tự sự kiện và khác biệt hẳn với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân[16].
Cái duyên kiếp với người mệnh bạc và mối duyên tình với người quân tử đan quyện vào nhau trong tâm thức nàng Kiều ngay từ đầu con đường lưư lạc. Sau giấc mơ đầu gặp Đạm Tiên, Kiều đã cất tiếng thở dài: “Biết duyên mình, biết phận mình thế thôi!”. Thế rồi “Ma đưa lối quỷ đem đường,/ lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”. Đặt “đức cù lao” lên trên “duyên hội ngộ”, nàng bán mình chuộc cha, lênh đênh đất khách lầu xanh, lầm duyên đem gửi Sở Khanh để cuối cùng phải “Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”, phải duyên với Thúc Sinh thì “Gỡ cho xong nợ còn gì là duyên”, “tơ hồng kết duyên” với họ Bạc thì rơi vào lầu xanh lần thứ hai, rồi cả đến “duyên cưỡi rồng” với Từ Hải, như sự lập lại công bằng ân oán trên cõi thế, cuối cùng cũng thành một tiếng than “oan khí”. Phải chờ đến hết phận long đong “15 năm ấy” thì duyên tình kia mới được nối lại: “Trước sau cho vẹn một lời,/ Duyên ta mà cũng phúc trời chi không!” Một lời hẹn của số phận, một lời thề của tình duyên ở đầu tác phẩm theo nàng Kiều đi suốt quãng đời lưu lạc vừa như một nỗi đắng cay, vừa như một niềm an ủi. Cái kết cục hạnh phúc của tác phẩm sau khi Thuý Kiều “thoát xác” ở sông Tiền đường không chỉ thể hiện qui luật nhân quả tuần hoàn của kiếp luân hồi, mà nó còn là sự bù đắp phần nào của số phận cho tình yêu như sự thoả mãn khát vọng hạnh phúc chân chính mang hơi hướng của tâm thức huyền thoại dân gian, của những câu chuyện cổ tích. Sự đan quyện hai mạch của chữ duyên trong “Truyện Kiều” dường như hoán chuyển không gian - thời gian định mệnh vốn được coi là khách quan thành không gian - thời gian tâm trạng chủ quan.
Hồn ma Đạm Tiên hiển hiện trong “Truyện Kiều” cả thảy 4 lần. Lần đầu là khi thăm mộ, vào lúc chiều xuống (“Tà tà bóng ngả về tây”) hồn hiện thành “trận gió cuốn cờ”, để lại “Dấu giày từng bước in rêu rành rành” trong cảnh không gian quạnh hiu, u tịch như không phải ở nơi dương thế (“Một vùng cỏ áy bóng tà,/ Gió hiu hiu thổi một và bông lau”). Ba lần sau thì hồn hiện về trong giấc mơ hay khi nàng Kiều hôn mê ở ba thời điểm có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời của nàng: 1). Khi chuẩn bị đón nhận tình yêu và cả tai hoạ của gia đình mình; 2). Khi bị Tú bà dồn đến đường cùng phải quyết định quyên sinh ở lầu xanh; 3). Khi tuyệt vọng tự vẫn ở sông Tiền đường và lại được cứu sống. Sự hiển hiện của định mệnh diễn ra ở những không gian - thời gian khác lạ và thường gây cảm giác khôn lường, bất ngờ, bí hiểm, khó xác định chính xác thể hiện bằng chữ “đâu”, “dường”, “như”, “thoắt” mà Nguyễn Du dùng rất tài tình:
- “Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay”- “Ở trong dường có hương bay ít nhiều”- “Thoắt đâu thấy một tiểu Kiều” - “Sen vàng lãng đãng như gần như xa” - “Gió đâu sịch bức mành mành” - “Trông theo nào thấy đâu nào,/Hương thừa dường hãy ra vào đâu đây” - “Trong mê dường đã đứng bên một nàng” - “Đạm Tiên, thoắt đã thấy người ngày xưa” - “Giật mình thoắt tỉnh giấc mai/ Bâng khuâng nào đã biết ai mà nhìn”
Ngoài Đạm Tiên, trong “Truyện Kiều” còn có đạo nhân Lâm tri và Tam Hợp đạo cô là những người tiếp xúc được với thế giới định mệnh. Đạo nhân Lâm tri chỉ tiếp xúc được với thế giới đó khi “xuất thần giây phút” và “trở về” ngay. Tam Hợp đạo cô thì đã thoát tục và cư trú dường như ở nơi vô định mà vãi Giác Duyên phải “hành cước phương xa”, hay “rộng đường vân du” mới tới nơi gặp được. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử nhận định: “...Các nhân vật dự báo định mệnh trong truyện [trong “Truyện Kiều” - ĐHP] thực ra chỉ chiếm một vị trí không gian bên lề cuộc sống, giữa thực tại và hư vô (“phương xa”, “cõi ngoài”, trong mộng...), thời gian định mệnh trong truyện chỉ tồn tại trong quan niệm của các nhân vật chứ không có trong thời gian hành động và sự kiện. Nó tạo ra một tương lai mơ hồ, gợi lên một sự đợi chờ phấp phỏng cho nhân vật, tức làm nảy ra một tương quan với thời gian con người, thời gian cá nhân của nhân vật”[17]. Nhà nghiên cứu chỉ ra mối tương quan trực tiếp của thời gian – không gian định mệnh với thời gian – không gian tâm trạng của nhân vật, nhưng lại phủ định tính vận động của nó: “Ở đây [trong thời gian định mệnh - ĐHP] không có vận động, đổi thay. Thời gian định mệnh thực chất là một trật tự thời gian siêu hình”[18]. Chúng tôi không thể đồng tình với nhận định thứ hai này. Thời gian – không gian định mệnh trong “Truyện Kiều” về cơ bản được tổ chức theo thuyết tuần hoàn nhân quả của nhà Phật, mà chúng ta biết rằng triết học phật giáo duy tâm, nhưng không siêu hình[19]. Hơn nữa, nếu không gian - thời gian định mệnh tương ứng với không gian - thời gian tâm trạng thì ít nhiều cũng phải có sự vận động tương ứng với nó. Đó tuy là một vận động tuần hoàn, luân hồi theo một vòng tròn lớn của kiếp người và vũ trụ, nhưng dù sao cũng là một vận động liên tục. Sứ giả của định mệnh được nhân hình hoá thành hồn ma Đạm Tiên có thể “nức nở khen thầm” thơ của nàng Kiều ở một nơi, có thể “hẹn hò” với nàng vào một lúc khác, “chờ” nàng “mất công mười mấy năm thừa” ở điểm hẹn... Định mệnh kéo nhân vật ra khỏi không gian nhỏ hẹp, ném vào cuộc đời dâu bể, đẩy đến chỗ tuyệt vọng, nhiều lúc bắt nhân vật phải một mình đối mặt với chính mình, không để cho con người có quyền tự chấm dứt cuộc sống, để rồi sau bao đau khổ chỉ phần nào thực hiện ước mơ cho nhân vật... Kiều cũng như nhiều nhân vật khác trong truyện luôn bị dồn đuổi bởi cái ngẫu nhiên, bất ngờ, khó lý giải, phải “vội”, “kíp” và cảm thấy không yên ngay cả trong những lúc tưởng như “thong dong” phần lớn chính bởi luôn bị ám ảnh về định mệnh. Tuy nhiên chính cảm thức bất an này dẫn nhân vật đến tâm trạng cô đơn, cảm giác như bị bỏ rơi, sống với cái “bây giờ”[20] nhiều hơn cái “ngày sau”, từ đó nảy sinh thái độ hoài nghi, oán trách đối với định mệnh.
Thái độ của các nhân vật và cả người kể chuyện trong “Truyện Kiều” đối với định mệnh tuy có nhiều mâu thuẫn nhưng phần nhiều vẫn là phản cảm. Bên cạnh thái độ khẳng định, cam chịu (thể hiện qua một vài câu thơ đã dẫn ở trên), còn có thái độ lý giải: “...Phúc họa đạo trời,/ Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra”; hoặc toan tính thiệt hơn: “Kiếp này nợ trả chưa xong,/ Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau”; rồi tuyệt vọng: “Kiếp  trần  biết    bao  giờ  cho xong”, “Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì!”; chất vấn: “Phận sao bạc chẳng vừa thôi?/ Khăng khăng buộc mãi lấy người hồng nhan”, “Người sao hiếu nghĩa đủ đường,/ Kiếp sao rặt những đoạn trường thế thôi?”; đay nghiến, chì chiết: “Đã cho lấy chữ hồng nhan,/ Làm cho cho hại, cho tàn cho cân!”;  hoặc thái độ trách móc dữ dội: “Phận sao phận bạc như vôi!”, “Chém cha cái số hoa đào!”; hay thậm chí cả thái độ hoài nghi: “Dạy rằng: “Mộng triệu cứ đâu...”; phủ nhận: “Chẳng qua đồng cốt quàng xiên...”
Như vậy, về cơ bản thái độ đối với định mệnh bao trùm lên “Truyện Kiều” là thái độ bất mãn với các sắc thái và mức độ khác nhau, mặc dù bên cạnh nỗi đắng cay dồn dập của kiếp người, định mệnh đôi lúc nhuốm màu sắc huyền thoại dân gian còn thể hiện cả niềm an ủi hay ước mơ về một kết cục hạnh phúc. Thái độ bất mãn này không được nhấn mạnh trong tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm tài nhân. Có thể thái độ này được qui định bởi tính chất trữ tình của thể loại truyện thơ. Nó thể hiện thái độ của chính Nguyễn Du đối với thực tại chua xót mà ông lý giải bằng định mệnh.
Tính chất tuần hoàn lưu chuyển cũng như sự mịt mờ vô định, thoắt ẩn thoắt hiện, hư hư thực thực của không gian - thời gian định mệnh thực chất đã mở rộng không gian - thời gian “Truyện Kiều” tới tầm vũ trụ, đồng thời cũng kết hợp bộc lộ chiều sâu tâm thức của con người cá nhân với những ẩn ức, dự cảm, những xung động tâm lý tinh tế, phức tạp, khó nắm bắt...
II. Không gian - thời gian định mệnh trong “Truyện Xuân Hương”
Tổ chức không gian - thời gian định mệnh trong “Truyện Xuân Hương” có nhiều điểm tương đồng, nhưng cũng có những điểm khác biệt so với “Truyện Kiều”.
Cốt truyện “Truyện Xuân Hương” bắt đầu bằng việc cầu tự của mẹ Xuân Hương là kỹ nữ Nguyệt Mai “đã 40 tuổi rồi mà chưa có con nên mắc bệnh sầu não”. Người phụ nữ suy ngẫm về quá khứ định mệnh, lo lắng cho tương lai và tìm lối thoát qua nghi lễ tôn giáo. Bà nói với chồng: “...Chúng ta chắc có duyên từ kiếp trước nên đời nay thành vợ thành chồng. Thiếp đã bỏ nghề kỹ nữ, coi trọng lễ nghi, cố gắng trong việc nội trợ. Vậy tại sao chúng ta chưa có được một đứa con? Hay là thiếp có tội gì? Sau này ai là người cúng tổ tiên và chôn cất chúng ta? Theo thiển ý của thiếp, nếu chúng ta đi lễ ở những chùa lớn và những ngọn núi nổi tiếng thì chắc sẽ toại nguyện...”
Cảm thức định mệnh chuyển từ ý thức về thời gian sang ý thức về không gian, rồi tới những tấm gương của những người trọng lễ mà hưởng lộc nhân quả: “Bậc thánh nhân như Khổng Tử cũng phải đi lễ ở núi Ni Khâu; Trịnh Tử Sản người nước Trịnh sinh ra cũng nhờ lễ ở núi U Kung. Còn ở ta cũng có nhiều núi và chùa lớn. Ông Châu Thiên Chung Nghi ở Ung Chun tỉnh Kung Sang... do đi lễ ở đỉnh núi mà sinh quí tử. Chúng ta hãy cố làm theo như vậy. Chẳng lẽ có công trồng cây mà không có ngày hái quả sao?”
Mạch ý thức chuyển đổi từ “thánh nhân” đến người thường, từ Trung quốc đến “ở ta”, từ xưa đến nay và hướng tới không gian cao, thoáng, có linh khí như tiền đề của ngày sau.
Vợ chồng Nguyệt Mai đi qua cầu Ô Thước, lên lập đàn cầu cúng tại đỉnh BanYa là nơi “biệt hữu kiền khôn” nơi hội tụ cả chùa, núi, rừng, sông, suối. Ở nơi sơn thuỷ âm dương hoà hợp ấy vào nửa đêm ngày Đoan ngọ bà mơ thấy tiên nữ con gái của Lạc Phố hiện về kể chuyện bị trời đày xuống đầu thai thành người trần gian vì tội mải chuyện trò với Xích Tùng Tử ở cung Quảng Hàn mà dâng đào chậm. Bà thụ thai Xuân Hương từ ngày Đoan ngọ đó. 
Người đọc “Truyện Xuân Hương” có thể liên tưởng đoạn mở đầu này với mở đầu của sử thi cổ đại. Cũng như trong “Truyện Kiều”, không gian - thời gian trong “Truyện Xuân Hương” mang dấu ấn của thuyết âm dương ngũ hành, của thuyết luân hồi truyền kiếp, thuyết nhân quả, nhưng nhiều hơn hết là màu sắc huyền thoại dân gian và bác học. 
Cần chú ý rằng cũng tại vùng sơn thuỷ âm dương hòa hợp (“biệt hữu kiền khôn”) ở tỉnh Namwon đó, nơi có cầu Ô Thước-Ojak, có lầu Quảng Hàn-Kwanghan (những địa danh gợi liên tưởng đến không gian thượng giới theo truyền thuyết), cũng vào ngày Đoan ngọ, Lý công tử trông thấy Xuân Hương “chao liệng giữa mây trắng” trên đu “cao hàng trăm thước”. Khi chơi đu Xuân Hương bộc lộ bản chất tiên giới của mình. Cả tình yêu nảy sinh giữa Xuân Hương và Lý công tử lúc đó cũng như bắt nguồn từ thượng giới. Khi tới cầu Ô Thước, Lý công tử đã tự hỏi: “Nếu đích thực đây là cầu Ô Thước thì Ngưu lang, Chức nữ ở đâu?” Khi trông thấy Xuân Hương chàng đã so sánh nàng với “tiên nữ ở Lạc Phố hay tiên nữ ở Vu Sơn”. Đến lúc gặp Xuân Hương, chàng “tự nghĩ rằng... đây chính là một nàng tiên bị đày xuống Namwon” và kết luận: “Tôi và nàng rõ ràng có duyên tiền định”. Còn mẹ Xuân Hương thì từ đêm trước đã mơ thấy “một con rồng ở ao Bích đào”, ứng với cái tên Mộng Long của chàng Lý, nên cũng cho là duyên số.
Nếu như tổ chức không gian và thời gian định mệnh trong “Truyện Kiều” chủ yếu được khai triển theo mạch ngang (hồn ma định mệnh lôi kéo hoặc bám theo con người trên con đường tha hương lưu lạc), thì “Truyện Xuân Hương” lại khai triển kết cấu không gian - thời gian ấy theo chiều dọc (con người hướng tới thượng giới và tiên giới xuống trần, ở cùng một địa điểm và trong cùng một đơn vị thời gian, hạnh phúc lặp lại một cách huyền bí như chưa từng dời chuyển). Sự khác biệt này một mặt là do “Truyện Kiều” thuộc về thể loại “truyện lưu lạc” tự do hơn trong việc triển khai không gian, thời gian sự kiện theo mạch ngang, còn “Truyện Xuân Hương” là tiểu thuyết diễn xướng p’ansori chỉ có một không gian sân khấu, thuận tiện hơn nếu triển khai theo chiều dọc; mặt khác, sự khác biệt về tổ chức không gian - thời gian bắt nguồn từ sự khác biệt về cảm thức định mệnh. “Truyện Kiều” nhấn mạnh cảm thức ly biệt, lưu lạc, “Truyện Xuân Hương” nhấn mạnh cảm thức hoà hợp, hội tụ. 
“Truyện Xuân Hương” đặc biệt chú trọng đến những cảnh gặp gỡ, tình yêu. Ngoài phần giới thiệu xuất xứ nhân vật nằm ngoài cốt truyện, những sự kiện trong hai chương Gặp gỡTình yêu có thể tóm tắt thế này. Vào ngày Đoan ngọ, thời  tiết cuối “xuân sáng sủa, ấm áp” Lý công tử quyết định đi ngắm cảnh vật trong huyện Namwon, nơi cha chàng mới tới trị nhiệm. Đến khu vực lầu Quảng Hàn và cầu Ô Thước, chàng trông thấy Xuân Hương đang chơi đu. Chàng phải hai lần sai người hầu Phòng Tử mời Xuân Hương tới diện kiến, cuối cùng nàng làm như miễn cưỡng phải đi dù trong lòng đã rất  “muốn đi” rồi (cần nhớ rằng lúc này trên thực tế nàng chưa hề biết mặt Lý công tử). Khi gặp chàng Lý, bên ngoài nàng đáp lại những lời nói thẳng về tình cảm của chàng bằng những câu nói xã giao, nhưng bên trong thì đã “rất mến” rồi. Lý công tử hẹn buổi tối đến nhà nàng chơi. Ở nhà Lý công tử ngồi học bài không yên, chỉ nghĩ đến tối gặp Xuân Hương. Buổi tối tại nhà Xuân Hương Lý công tử đặt vấn đề với mẹ Xuân Hương và hai người hợp cẩn ngay đêm đó tại nhà Xuân Hương. Tất cả những sự kiện này xảy ra trong một ngày và được kể lại trong 54 trang sách (tiếng Việt) trên tổng số là 139 trang, tức là hơn 1/3 cuốn truyện. Nhịp điệu kể chậm rãi, tỉ mỉ. Mạch kể luôn bị xen vào những đoạn miêu tả như miêu tả cảnh thanh bình yên vui trong huyện Namwon, cảnh mùa xuân, phong cảnh xung quanh lầu Quảng Hàn, cảnh chơi đu, phong cảnh và địa thế nhà Xuân Hương, cảnh nội thất nhà Xuân Hương. Ngoài ra còn có những đối thoại dài “ngoài cốt truyện” (nghĩa là không thúc đẩy vận động của mạch sự kiện). Ví dụ như lúc Lý công tử thuyết lý với người hầu về việc “những bậc văn chương tài hoa” đều muốn “du ngoạn đây đó” và liệt kê các tấm gương từ Trung Quốc đời xưa đến Triều Tiên ngày nay, để đáp lại người hầu lại có một bài diễn thuyết dài “kể hết cảnh đẹp bốn phương” trên đất nước Triều Tiên (chủ yếu ở địa phận Hàn Quốc hiện nay); hay như đoạn đối thoại khác mang tính hài hước giữa Lý công tử và người hầu về những tri thức nho học khi Lý công tử vừa học bài vừa sốt ruột đợi đến tối để đi gặp Xuân Hương (đoạn đối thoại dài 5 trang sách).
Thủ pháp trì hoãn nói trên một mặt mang dấu ấn kỹ thuật kể của nghệ nhân kwangdae (hay soricun) trong quá trình hình thành văn bản p’ansori, mặt khác nó thể hiện ý tưởng mang màu sắc huyền thoại về sự hội tụ thời gian và không gian trong những khoảnh khắc giao tiếp với thượng giới, tình yêu tràn ngập cảm giác trần thế của Xuân Hương và Lý công tử thực tế lại được nhận thức như một trong những khoảnh khắc đó. Ý tưởng về sự hội tụ âm - dương, trần gian - thượng giới được khai triển nhất quán ngay từ chuyện cầu tự của bà Nguyệt Mai, đến chuyện du ngoạn của Lý công tử, chuyện kết duyên với Xuân Hương và cả màn ái ân của hai người. Ý tưởng ấy cũng được thể hiện trong phong cách miêu tả không gian diễn ra sự kiện mang tính ước lệ và có phần trừu tượng. Lầu Quảng Hàn là nơi hội tụ “thắng cảnh bốn phương” đồng thời là nơi gợi liên tưởng thượng giới; nhà của Xuân Hương thì “...ở trên đồi cây rậm rạp; ở đó có ao nước sạch, có nhiều cá quí, xung quanh có hoa thơm cỏ lạ; trên cây các loài chim khoe màu lông đẹp; trên sườn đá những cây thông lớn gặp gió uốn ngọn như những con rồng; những cành liễu rủ trước nhà mềm và nhỏ như sợi dây; ngoài ra còn có cây deulchuc, jucbaek, cây dâu và cây eunhaeng đứng đối diện nhau theo âm dương...”; nội thất nhà Xuân Hương thì mang tính sinh hoạt nhiều hơn, nhưng không thoát khỏi tính ước lệ và cũng gợi liên tưởng hội tụ trần gian - thượng giới qua những bức tranh treo trên tường: “Bức tranh có hình ảnh: ông vua ngồi trên cao và các quần thần cúi đầu ở dưới; Lý Thái Bạch đọc Hoàng đình kinh ở điện Hoàng Hạc, Thương lương văn ở lầu Bạch Ngọc; cảnh Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau ở cầu Ô Thước ngày 7 tháng 7 và cảnh Hằng Nga giã thuốc giữa đêm trăng sáng...”
Cảnh ân ái của Xuân Hương và Lý công tử (chiếm 16 trang sách và đã làm cho một số nhà nghiên cứu phải gọi tác giả vô danh của “Truyện Xuân Hương” là “Rabelais Triều Tiên”) thực tế cũng nằm trong quan niệm âm dương hội tụ tràn ngập cảm thức huyền thoại, định mệnh nói trên. Trong màn ân ái đó Lý công tử và Xuân Hương nói chuyện với nhau về tình yêu của họ như “nhân duyên ba đời”, như sự hoà hợp âm dương: “...Tình yêu là đôi uyên ương trên dòng sông xanh /Tình yêu là sự gặp gỡ giữa Ngưu Lang và Chức Nữ vào đêm mùng 7 tháng 7 hàng năm...”
Đôi nam nữ nói chuyện với nhau cả về cái chết chỉ đơn giản như sự chuyển đổi âm dương, thiên địa, hoàn toàn như một sự tuần hoàn không ngăn trở tình cảm, không gợn một chút cảm thức bi kịch. Họ nói về cái chết hết sức tự nhiên. Có lúc bằng những biểu tượng bác học:
“-Sau này chết đi thì nàng sẽ thành cái gì?
- Thiếp sẽ thành 4 chữ: “Địa âm thê nữ”
- Còn ta sau khi chết thành 5 chữ: “Thiên kiền phu nam tử”. “Nữ” kết hợp với “tử” thành “hảo”. Nàng, sau khi chết sẽ thành âm dương thuỷ, như Ngân Hà, như dòng thác, như vạn khoảnh nước biển, như suối trong xanh...”
Có lúc lại bằng những biểu tượng dân gian chất phác:
“Thế thì sau khi chết nàng sẽ trở thành cái cối, còn ta trở thành cái chày...”; “Thế thì sau khi chết nàng sẽ thành thớt trên, còn ta thành thớt dưới...”
Trong “Truyện Xuân Hương” cũng có lúc xuất hiện dự cảm ngăn trở, ly biệt trước khi phải ly biệt, nhưng nó chỉ thoáng qua và không phải trong ý thức của Xuân Hương mà ở bà mẹ. Bà Ngọc Mai nói với Lý công tử khi chàng xin đính ước với Xuân Hương: “Nếu công tử đính ước với Xuân Hương mà cha mẹ không biết, rồi sau này sự việc đến tai mọi người thì thân phận nó đau xót còn hơn hòn ngọc quí, đồi mồi bị đập vỡ, chim uyên ương bị chia lìa”. Nói vậy mà bà hoàn toàn không ngăn trở, thậm chí lại còn tạo điều kiện cho đôi trẻ. Trong không gian cao cả ở đầu “Truyện Xuân Hương” hoàn toàn không có rào cản như trong “Truyện Kiều”. Gần một năm trôi qua, đến lúc hai người phải chia tay thật sự khi cha của Lý công tử được vua cất nhắc về Seoul, lúc ấy trong Xuân Hương mới xuất hiện dự cảm bi kịch về định mệnh như sức mạnh của ma quỷ. Nàng khóc: “...Tạo vật đố kỵ, ma quỷ ngăn trở nên mới dẫn đến cảnh này. Trởi ơi! Trời ơi! Công tử đi rồi thiếp biết dựa vào ai để sống? Ước vọng dài lâu của thiếp sẽ như thế nào đây?... Cái trào ra là nước mắt, cái hít vào là lời than thở. Trong cảnh đêm vắng, núi sống yên lặng... ngắm cảnh bốn mùa thấy cái gì cũng buồn, nghe cái gì cũng buồn”. 
Nếu như “Truyện Kiều” tập trung kể về cảnh lưu lạc và người ra đi, thì “Truyện Xuân Hương” lại tập trung kể về người ở lại. Biến cố duy nhất xảy ra trong thời gian xa cách là việc quan huyện mới cưỡng ép Xuân Hương không được liền sai dùng nhục hình với nàng và tống giam vào ngục. Sức mạnh ma quỷ của lòng dục không phải phát sinh ở chính Namwon mà từ nơi khác đến (trong tác phẩm nhấn mạnh đường đi của quan huyện mới từ nơi khác đến Namwon). Khi gặp nạn Xuân Hương không phải chịu cảnh đơn độc như nàng Kiều: dân chúng trong vùng ủng hộ Xuân Hương, những viên lại, hộ đến bắt nàng cũng “mủi lòng”, bọn lính phải đánh nàng theo lệnh quan huyện thì “đều rơi nước mắt”, từ người nông phu đến đứa trẻ trên đường đều phẫn nộ thay cho nàng. Bởi vậy Xuân Hương không có lý do để trách cứ trời cao. Khi phải chịu nhục hình, nàng có thể viện lấy sự ủng hộ của trời cao để chứng giám cho sự kiên trinh của mình. Tuy nhiên, cảm giác về sự ngăn trở của định mệnh cũng có lúc được nàng ý thức một cách chua xót. Có lúc nó được biểu hiện bằng hình tượng không gian cụ thể: “Lang quân không quay lại,/Vì có nhiều đỉnh cao,/ hay đỉnh cao của Kumgang/ Lúc tan thành đồng bằng,/ Thì lang quân mới về?” Có lúc nó thể hiện trong cơn mê khi nàng thấy mình đến Hoàng lăng mộ gặp những người phụ nữ nổi tiếng bất hạnh như Tương phu nhân, Lộng Ngọc, Chiêu Quân, Thích phu nhân... Việc này dẫn đến những ám ảnh được biểu hiện bằng cảm thức thời gian: “Mặt trời lặn xuống núi phía tây, ngày mai rồi trở lại, nhưng Xuân Hương đã một lần ra đi thì không bao giờ quay lại”. Tuy có những lúc tuyệt vọng như vậy, nhưng thực ra ý thức về sự chuyển dịch của không gian và sự tuần hoàn của thời gian theo qui luật nhân quả chưa bao giờ rời bỏ nàng. Ý thức đó được củng cố bằng lời đoán mộng của ông thầy bói ở cuối chương “Chung thuỷ”: “Hoa rơi rồi sẽ lấy được quả, gương vỡ sẽ có tiếng lớn. Trên cửa sổ treo hình nhân thì người ta phải ngước lên mà tôn kính; nước biển cạn sẽ thấy mặt rồng; núi tan sẽ thành đồng bằng...” Hầu như tất cả các chương truyện trong “Truyện Xuân Hương” đều kết thúc với âm điệu lạc quan, củng cố niềm tin như vậy. Ngoài chuyện tình yêu, “Truyện Xuân Hương” còn là một chuyện thử thách và củng cố niềm tin vào qui luật nhân quả tuần hoàn của con người, niềm tin phần nào có thể lung lay do những bất hạnh mà con người gặp phải trên đường đời.
Tâm thức dân gian dường như muốn chống lại sự khắc nghiệt của qui luật vật đổi sao rời và mạch chảy thời gian không trở lại bằng cách nương tựa vào ý thức tuần hoàn nhân quả. Trong “Truyện Xuân Hương”, trên đường trở về Namwon Lý công tử có gặp những người nông phu hát hai bài hát. Bài hát “Hãy ngăn chặn kẻ thù tóc bạc” thể hiện nỗi lo lắng về mạch chảy vô tình, không đảo ngược của thời gian đối với đời sống con người và kêu gọi ngăn chặn nó bằng cách tận hưởng cuộc sống này và an ủi rằng cuộc đời chỉ là giấc mộng:
Phải ngăn chặn kẻ thù tóc bạc...
...Đánh đuổi tóc bạc đang tới,
Kéo lại sắc đẹp đang đi...
...Thời gian thật vô tình,
Dẫu thời niên thiếu lâu dài,
Nhưng thay đổi rất nhanh,
Tất cả do thời gian,
Ngựa quí ngàn vàng...
...Ngồi bên cạnh người con gái đẹp,
Vui chơi bằng mọi cách
Cảnh đẹp bốn mùa: sáng hoa, đêm trăng...
...Có lẽ cuộc đời ta,
Là giấc mộng Nam Kha.
Còn bài “Nông phu ca” thì khuyên người ta lo việc nông gia và tin vào thành quả bởi nhận thức được qui luật tuần hoàn: “...Trồng trăm cây,/ Biết được bốn mùa,/ Cái tin tưởng là trăm cây...”
Cả hai bài hát đều lấy điểm tựa là đơn vị thời gian bốn mùa luân chuyển. Ý thức về thời gian nông nghiệp cổ sơ này[21] trong dân gian là cơ sở để người dân tin vào thuyết nhân quả tuần hoàn mang ý thức định mệnh.
Qui luật tuần hoàn nhân quả đó được chứng thực trong “Truyện Xuân Hương” ở phần Gặp lại. Lý công tử thi đỗ được bổ làm Mật sứ quay trở về Namwon trừng trị tên quan huyện độc ác, lập lại sự công bằng và đem lại hạnh phúc cho Xuân Hương. Chi tiết Mật sứ lệnh cho quân của mình đi theo nhiều đường khác nhau được nhấn mạnh bằng việc liệt kê hàng loạt địa danh trên các con đường đến Namwon. Cái ác đến Namwon trên một con đường, cái thiện đến đó bằng nhiều đường, các con đường như dồn về nơi trời đất giao hoà hội tụ để kết tinh thành tình yêu và làm cho tình yêu thành bất tử ấy. Tình yêu bắt đầu từ nơi ấy, hạnh phúc nảy sinh và được thiết lập lại ở chính nơi ấy. “Truyện Xuân Hương” có kết cục hạnh phúc ở chính tại nơi xuất phát, “Truyện Kiều” không có được kết cục trọn vẹn như vậy. Cảm thức về không gian và thời gian định mệnh, huyền thoại trong “Truyện Xuân Hương” có phần lạc quan hơn trong “Truyện Kiều”. Nhưng cả trong “Truyện Kiều” cũng như “Truyện Xuân Hương” kết cục hạnh phúc dù trọn vẹn hay chưa trọn vẹn đều mang nặng cảm thức dân gian. Kết cấu “Gặp gỡ - Tai biến - Đoàn tụ” trong “Truyện Kiều” hay “Phát đoạn - Triển khai - Nguy biến - Đỉnh điểm - Kết mạt” trong “Truyện Xuân Hương” thực chất đều thể hiện ý niệm về vòng tuần hoàn nhân quả định mệnh huyền thoại ăn sâu vào ý thức dân gian từ ngàn đời.  
*   *   *
Từ việc phân tích và đối chiếu cảm quan không gian - thời gian định mệnh trong “Truyện Kiều” và “Truyện Xuân Hương”, chúng tôi đã có thể có những kết luận sau:
- Ý thức định mệnh chi phối cảm quan không gian - thời gian trong cả hai tác phẩm nhưng ở các mức độ khác nhau. Ý thức này thường xuất hiện trong dự cảm, giấc mơ, lời tiên đoán hay trong cảm giác về sự xô đẩy của định mệnh. Nó gắn bó với không gian và thời gian tâm trạng và các biểu tượng không gian - thời gian mang dấu ấn cảm thức định mệnh.
- Cảm thức không gian - thời gian định mệnh trong “Truyện Kiều” và “Truyện Xuân Hương” cùng có nguồn gốc từ đạo Phật, đạo nho hay huyền thoại đông phương, nó thể hiện ý thức về vòng tuần hoàn nhân quả. Ý thức này bắt rễ sâu vào tâm thức dân gian bởi nó phù hợp với ước vọng hạnh phúc ngàn đời của nhân dân hai dân tộc, nó là niềm an ủi con người trước vận động phũ phàng, nghiệt ngã của thực tại hai nước thế kỷ XVIII-XIX.
- Không gian - thời gian định mệnh trong “Truyện Kiều” được triển khai theo mạch ngang phù hợp với thể loại “truyện lưu lạc”: hồn ma định mệnh lôi kéo hoặc bám theo con người trên con đường tha hương lưu lạc. Chính vì vậy mà trong “Truyện Kiều” xuất hiện những vận động vượt rào cản, những biểu tượng không gian xa cách, cảm thức cô độc nơi đất khách và ấn tượng về thời gian thực tại dồn đuổi không đảo ngược được. Thái độ đối với định mệnh trong “Truyện Kiều” về cơ bản là bất mãn, chua xót.
- Không gian - thời gian trong “Truyện Xuân Hương” lại được khai triển theo chiều dọc chủ yếu hội tụ vào một không gian chính: con người hướng tới thượng giới và tiên giới xuống trần, ở cùng một địa điểm và trong cùng một đơn vị thời gian, hạnh phúc lập lại một cách tất yếu như chưa từng dời chuyển. Bởi vậy nên trong “Truyện Xuân Hương” xuất hiện với tần số cao những biểu tượng không gian và thời gian hội tụ. Cảm thức về vòng tuần hoàn nhân quả có lúc có thể bị lung lay do gặp phải tai biến nhưng niềm tin luôn được củng cố. Thái độ đối với định mệnh trong “Truyện Xuân Hương” do vậy về cơ bản là một thái độ khẳng định.
- Do đặc điểm cấu trúc không gian thời gian định mệnh khác biệt nói trên mà cảm thức không gian - thời gian định mệnh trong “Truyện Xuân Hương” có phần lạc quan hơn trong “Truyện Kiều”.
Với tất cả những điểm tương đồng và khác biệt trên “Truyện Kiều” và “Truyện Xuân Hương” với tư cách là “những mẫu mực của văn học cổ điển ở Triều Tiên và Việt Nam”[22] cùng góp tiếng nói độc đáo của mình vào nền văn học Đông Á, nền văn học, có thể nói là cho đến nay vẫn đem ý thức về cái huyền bí của vũ trụ làm giàu thêm cho văn hoá thế giới.


[1]Trần Đình Sử. Sđd, tr.341-342. 
[2] Xem: Trần Đình Sử. Sđd, tr.370-371.
[3] Valentin Ly. “Truyện Chunhan” của Triều tiên và “Truyện Kiều” của Nguyễn Du// Tạp chí văn học, 1992, 3, tr.40.
[4] A.Ia.Gurevich. Các phạm trù văn hóa Trung cổ. Hà nội, NXB Giáo dục, 1998, tr.30-32.
[5] Cho đến nay thời điểm ra đời của “Truyện Kiều” vẫn chưa được các nhà nghiên cứu Việt Nam thống nhất: có ý kiến cho là trong khoảng 1813-1814, ý kiến khác lại cho là khoảng 1802-1809, lại có ý kiến cho là khoảng 1796-1802. Xem: Nguyễn Quảng Tuân. Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều vào thời kỳ nào? //Nguyễn Du. Truyện Kiều. Nxb KHXH, 1995, tr.15-24; Đào Duy Anh. Nguyễn Du viết Đoạn trường tân thanh vào lúc nào? //Nguyễn Du. Về tác gia và tác phẩm. Hà nội, Nxb Giáo dục, 1998, tr. 321-323.
[6] Xem: Cho Dong Il. Korea văn học thông sử  (1992) - Chuyển dẫn theo: Bae Yang Soo. So sánh Truyện Kiều và Truyện Xuân Hương. Luận án TSNV. Hà nội, 2001, tr. 59.
[7] Bae Yang Soo. Sđd, tr.35.
[8] Xem: Phạm Quỳnh. Bài diễn thuyết bằng quốc văn // Nguyễn Du. Về tác gia và tác phẩm. Hà nội, Nxb Giáo dục, 1998, tr. 178.
[9] Lee Sang Bo. Lời tựa Xuân Hương truyện// “Truyện Xuân Hương”, PUFS Press, 1998, tr. 10. 
[10] Xem: Bae Yang Soo. Sđd, tr. 93-109.
[11] Mọi trích đẫn từ “Truyện Xuân Hương” chúng tôi đều lấy từ bản dịch ra tiếng Việt của Bae Yang Soo: “Truyện Xuân Hương”, PUFS Press, 1998.
[12] M.M.Bakhtin. Hình thức thời gian và chronotop trong tiểu thuyết// M.M.Bakhtin. Những vấn đề văn học và mỹ học. M., Nxb VHNT, 1975, tr. 234-407 (tiếng Nga).
[13] Thanh Tâm tài nhân. Kim Vân Kiều truyện. Hà nội, Nxb ĐHQG, 1999, tr. 26-29.
[14] Theo thống kê của Đào Duy Anh, trong “Truyện Kiều” chữ  “mệnh” được dùng 4 lần, chữ “nghiệp” được dùng 2 lần, còn chữ “phận” được dùng 43 lần. Xem: Đào Duy Anh. Từ điển “Truyện Kiều”. Hà nội, Nxb KHXH, 1993, tr. 247, 285, 309.
[15] Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử đã đề cập đến những biểu tượng không gian giam hãm và khát vọng giải thoát của nàng Kiều trong bài “Không gian nghệ thuật của “Truyện Kiều”. Xem: Trần Đình Sử. Những thế giới nghệ thuật thơ. Hà nội, Nxb ĐHQG, 2001, tr.339-354.. 
[16] Đào Duy Anh. Sđd, tr. 109-110.
[17] Xem: Đỗ Đức Hiểu. Những con đường ra đi của Thuý Kiều// Nguyễn Du. Về tác gia và tác phẩm, tr.901-909. 
[18] Trần Đình Sử. Sđd, tr. 356-357.
[19] Trần Đình Sử. Sđd, tr. 356.
[20] Xem: Thế giới quan của đạo phật. Saint Peterburg, 1994 (tiếng Nga).
[21] Từ “bây giờ” được dùng trong ‘Truyện Kiều” 24 lần. Xem: Đào Duy Anh. Sđd, tr.30.
[22] Xem: A.Ia. Gurêvich. Sđd. tr. 98.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét