Từ Kant đến Marx
Lời người dịch: Bài viết sau đây (đầu đề do người
dịch đặt) không phải là công trình khảo cứu của một nhà nghiên cứu triết học,
tác giả của nó là một chuyên gia về văn học Anh, nguyên giáo sư tại Trường Đại
học Hamburg. Các trích đoạn về Kant, Hegel và Marx được giới thiệu ở đây là ba
trong số hàng trăm tiểu phẩm bàn về những chủ đề rộng lớn của lịch sử và văn
hoá Phương Tây từ "Các quốc gia đô thị Hi Lạp", "Sáng thế và tội
tổ tông" qua "Âm nhạc thời đại trung cổ", "Einstein và
thuyết tương đối" cho đến "Phong trào nữ quyền và chủ nghĩa đa văn
hoá" từ cuốn sách best-seller gồm 700 trang của tác giả với cái tên đầy
khiêu khích: "Văn hoá - Tất cả những gì người ta cần biết".
Nếu có thể mượn cách
diễn đạt của Heinrich Heine trong tác phẩm: "Về
lịch sử tôn giáo và triết học Đức", tác giả Dietrich Schwanitz có thể nói:
"Các nhà triết học lớn Đức nếu tình cờ bắt gặp những trang sách này sẽ
nhún vai một cách tao nhã về trình độ hạn chế của tất cả những gì mà tôi viết
ra ở đây". Chọn giới thiệu một số trích đoạn từ một tác phẩm khoa học phổ
cập nhân dịp kỉ niệm 280 năm ngày sinh của Kant, người dịch mong chuyển tải đến
bạn đọc ấn tượng sống động về quan hệ giữa công luận CHLB Đức đương đại và
truyền thống tư tưởng cổ điển Đức, đặc biệt về tư thế phê phán độc lập, khả
năng tự hài hước và sự thiếu vắng hoàn toàn phẩm chất anh hùng ca ở công luận
này. Với tiêu đề "Từ Kant đến Marx", thiết tưởng một chủ đề thảo luận
mang tính thời sự - chính trị có thể và cần thiết được gợi mở, ngõ hầu bổ sung
thêm cho những suy tưởng thú vị về các điểm tương đồng và dị biệt giữa Khai
sáng và Giác ngộ, giữa Phật và Kant, chủ toàn và chủ biệt v.v.
Trương Hồng Quang
Immanuel Kant (1724 -
1804)
Kant là Copernicus của triết học. Ông đảo ngược hướng nhìn và kìa hãy
xem, trí tuệ đâu còn xoay quanh thực tại nữa, và trái đất của thế giới kinh
nghiệm bắt đầu xoay quanh mặt trời trí tuệ. Hay nói một cách ít thi vị hơn:
Kant không còn nhìn vào thực tại rồi đặt câu hỏi làm sao trí tuệ có thể phản
ánh nó một cách trung thực nhất. Thay vào đó, ông hướng tới trí tuệ và đặt câu
hỏi phải hình dung như thế nào về tri thức tiên nghiệm, tức tri thức có trước
mọi thứ kinh nghiệm. Xuất phát từ đây ông đạt tới một cấu trúc hoàn toàn mới
của các bình diện logich: Trí tuệ không còn thuộc về thế giới kinh nghiệm mà nó
nhận biết, chính trí tuệ đã kiến tạo thế giới thông qua phương thức mà nó hình
dung ra thế giới; trí tuệ không phải là một bộ phận của thế giới mà là khởi
thủy của nó; trí tuệ không mang tính kinh nghiệm, mà mang tính siêu việt; nó
quy định cho thế giới kinh nghiệm phương thức tồn tại của thế giới đó. Những
phạm trù mà nó sử dụng để quan sát thế giới - chẳng hạn tính nhân quả - không
phải là một phần của thế giới, mà là một phần của ma trận tri thức. Nói cách
khác: trí tuệ, cũng như một nhóm sự vật nhất định, chẳng thể thuộc về thế giới,
ví dụ loài chó đâu phải là một thành tố hiện hữu; tự thân khái niệm loài chó
không phải là một con chó có thực, con chó Bello (xét từ giác độ kinh nghiệm)
và loài chó (xét từ giác độ siêu việt) nằm trên hai bình diện logich khác nhau.
Với bước ngoặt kiến tạo
luận này, Kant đã trả lời câu hỏi làm sao trí tuệ có thể quy thế giới kinh
nghiệm muôn màu muôn vẻ về một mối thống nhất. Trí tuệ không đi tìm tính
thống nhất trong thế giới, mà cung cấp cho thế giới tính thống nhất của nó. Ta
không thể biết gì về tự thân thế giới, cái mà Kant gọi là "vật tự
nó"; tuy nhiên những gì mà ta có thể tri thức được, ta sẽ tri thức chúng một
cách tất yếu, và chỉ thông qua sức mạnh tạo nên tính thống nhất của trí tuệ.
Với khái niệm "siêu
việt" mà ông dùng như là đối lập của khái niệm "kinh nghiệm",
Kant mô tả tất cả những gì không có quan hệ quy chiếu đối với thực tại, mà đối
với điều kiện của nhận thức. Triết học của ông chính vì vậy là triết học
siêu việt. Nó mang tính phê phán, bởi lẽ nó gắn liền khả năng có thể nhận biết
được thế giới với các điều kiện của trí tuệ, và thông qua đó mà cũng giới hạn
khả năng nhận biết này. Do vậy mà Kant đã đặt tên cho ba tác phẩm chính của
mình là: Phê phán lí tính thuần tuý (trong đó bàn đến các điều kiện của
tri thức), Phê phán lí tính thực tiễn (trong đó bàn đến đạo đức) và Phê
phán khả năng đánh giá (trong đó bàn đến mĩ học và các mục tiêu tối
thượng). Qua đó Kant đã trả lời ba câu hỏi lớn: Ta có thể biết gì? Ta cần phải
làm gì? và Ta có thể hi vọng gì?
Đồng thời, công trình
"Phê phán" của Kant cũng có thể coi như là sự phê phán trên phương
diện tư tưởng hệ đối với trí tuệ của con người: Một khi tôi không biết đến các
điều kiện về khả năng hình thành kinh nghiệm của mình, tôi sẽ có thiên hướng
phóng chiếu chúng vào thực tại; bởi vì chẳng hạn từ "Gott" (Thượng
đế) có âm vang gần giống từ "Brot" (Bánh mì) và cũng được sử dụng
tương tự trên phương diện ngữ pháp, tôi sẽ cho rằng Thượng đế cũng là một thực
thể hệt như một chiếc bánh mì đen, mặc dù không hề có một kinh nghiệm giác tính
nào xác nhận điều này. Thực ra Kant không nói hoàn toàn như vậy, mà là
nhà triết học ngôn ngữ Ludwig Wittgenstein, song Kant đã nghĩ đến một điều gì
đó tương tự khi ông nói rằng: Không được đánh đồng các ý tưởng điều hành - tức
là những chỉ dẫn để sử dụng trí tuệ - với các ý tưởng tạo dựng, bởi nếu không
ta sẽ nhầm tưởng những bóng ma là có thực. Và như Wittgenstein sau này, Kant đã
nhìn nhận công trình "Phê phán" của ông như là công cụ trị liệu đối
với một trí tuệ chưa tự nhân chân ra bản chất siêu việt của mình, và do đó mà
chưa tự tách biệt khỏi thế giới do nó kiến tạo nên.
Sau bước ngoặt Copernicus này ở Kant, không còn nhà triết học nào có thể hồn nhiên duy trì trạng thái "tiền phê phán" nữa. Ba tác phẩm "Phê phán" của Kant chứa đựng những những câu hỏi mà triết học của cả trăm năm sau sẽ còn tiếp tục triển khai. Đặc biệt khái niệm "vật tự nó" của ông, cái bất khả tri, toả vẻ hấp dẫn của một câu đố không thể nào tìm được lời giải đáp.
Sau bước ngoặt Copernicus này ở Kant, không còn nhà triết học nào có thể hồn nhiên duy trì trạng thái "tiền phê phán" nữa. Ba tác phẩm "Phê phán" của Kant chứa đựng những những câu hỏi mà triết học của cả trăm năm sau sẽ còn tiếp tục triển khai. Đặc biệt khái niệm "vật tự nó" của ông, cái bất khả tri, toả vẻ hấp dẫn của một câu đố không thể nào tìm được lời giải đáp.
Kant đã làm đảo lộn quan
niệm của chúng ta về nhận thức. Ngày nay hầu như chẳng còn một ai tin
rằng tinh thần phản ánh thế giới. Trên thực tế mọi lí thuyết đáng tin cậy đều
mang tính kiến tạo luận: Chúng ta kiến tạo ra thực tại. Ta chỉ có thể nhận biết
được những gì phù hợp với mô hình kiến tạo này, chẳng hạn như thính giác của
con người chỉ có khả năng thu nhận được một dải tần số âm thanh nhất định chứ
không như loài chó còn có thể nghe được cả các siêu âm. Đồng thời từ sau Kant
trở đi người ta có thể hình dung rằng ma trận tri thức tuy mang tính siêu việt,
song lại cũng phụ thuộc vào những yếu tố khả biến. Những yếu tố này có thể được
quy định bởi các điều kiện lịch sử, xã hội, phái tính, môi trường hay văn hoá,
hoặc chúng cũng có thể được định hướng bởi những quyền lợi vô thức. Bất luận
thế nào đi nữa thì những yếu tố đó cũng không được chúng ta ý thức đến, bởi
chúng có trước mọi thứ kinh nghiệm. Đây là khởi điểm cho một bộ môn thi đấu
mang tầm cỡ Olympic, môn thi đấu có nội dung tất cả hãy tình nghi tất cả. Bất
cứ một ai cũng có thể phát hiện ở kẻ khác những căn nguyên cho thói thiển cận
của người đó: Kẻ nọ là tên tư bản, y không thể suy nghĩ gì khác ngoài các khái
niệm hướng tới mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận; kẻ kia là một khuôn mẫu WASP điển
hình (White Anglo-Saxon Protestant) [ [1]
], y không thể nào tư duy khác khác ngoài phạm vi các phạm trù duy lí của nền
văn hoá Âu châu và chẳng hề coi việc này có điều gì bất thường. Bằng cách này,
người ta có thể phạm tội một cách ngây thơ; con người quả có nhìn nhận thế giới
một cách sai lệnh thật nhưng không thể ý thức về điều đó. Hai thế kỉ sau Kant
là thời đại của thói đa nghi tư tưởng hệ. Tuy nhiên trước khi thời đại này có
thể khởi đầu, Hegel còn phải là phẳng Kant bằng cỗ máy cán lịch sử của mình.
Georg Wilhelm
Friedrich Hegel (1770-1831)
Hegel kéo Kant đến bên
bờ Jordan [ [2] ] và rửa tội cho ông bằng nguồn
nước của lịch sử. Hay diễn đạt một cách khác: Ông thuật lại lịch sử thế
giới như là một cuốn tiểu thuyết giáo dục. Sự tương đồng này được ứng dụng lần
đầu trong tiểu thuyết: Cũng như Robinson Crusoe đã tái lập một lần nữa toàn bộ
lịch sử văn minh trên hòn đảo của mình, từng cá nhân cũng sẽ phải lần lượt
nghiệm trải toàn bộ lịch sử văn hoá.
Ở đây Hegel biến bước
ngoặt Copernicus của Kant thành nguyên lí của tiến bộ lịch sử. Bước
ngoặt này có nội dung gì? Ta hãy ôn lại: Tinh thần lúc khởi thủy chỉ quan sát
thế giới và lãng quên chính nó (quan niệm tiền phê phán; chính đề). Tiếp theo
đó, nó biến thành Immanuel Kant và xoay hướng nhìn vào bản thân nhằm tìm ra
phần đóng góp của mình vào kết quả nhận thức (quan niệm phê phán; phản đề). Và
rốt cuộc Kant đột biến thành nhà triết học Hegel với tư cách là người điều hành
Tinh thần thế giới và nhận ra rằng mâu thuẫn ở trên chỉ là một bước quá độ nhất
thời trong quá trình phát triển và với Hegel sẽ được nâng lên một tầm thống
nhất cao hơn (sự thức nhận triết học lịch sử; hợp đề). Ban đầu Tinh thần xuất
hiện với tư cách là Vật "tự nó" (Ý thức tiền phê phán), tiếp theo đó
ý thức tự phát hiện ra chính mình và Tinh thần xuất hiện dưới hình thái
"cho nó" (Tự ý thức, Kant). Và rốt cuộc nó xuất hiện trong sự tổng
hợp triết học lịch sử "tự nó và cho nó" (tức chính là Hegel, người
tạo ra khái niệm ngày nay đã trở thành thông dụng này).
Sự tổng hợp này có nghĩa
rằng cả hai mặt của mâu thuẫn đã được "phủ định" trên ba phương diện:
Chúng đồng thời bị bác bỏ, được bảo tồn và nâng lên một cấp độ mới. Nói
cách khác: Chúng trở thành những "khoảng khắc" của một tương quan
mới; chúng được tương đối hoá, ngữ cảnh hoá, giảm bớt độ căng và qua đó chuyển
hoá thành kinh nghiệm. Kết quả tổng hợp này lại trở thành khởi điểm cho một quá
trình mới, tương tự như sau một hiệp đấu quyền Anh cả hai địch thủ đều phải rời
khỏi sàn đấu và nhà trọng tài giờ đây sẽ phải tham dự vòng đấu tiếp theo với
một địch thủ mới.
Hegel gọi nguyên lí này
là phép biện chứng và nâng nó lên thành quy luật phát triển của lịch sử thế
giới. Sự vận động bao giờ cũng diễn ra từ Ý thức (ngây thơ) qua Tự ý
thức (phê phán, Kant) đến Tri thức tuyệt đối (Hegel).
Điều này sẽ được thể
hiện cụ thể ra sao dưới hình thức lịch sử?
Ý thức ngây thơ chẳng
hạn đánh đồng nội tâm với ngoại giới và phóng chiếu sự giằng xé của mình vào
thế giới, phân chia thế giới đó thành cõi thế và cõi bên kia: Đó là ý thức tôn
giáo trung cổ. Tiếp theo đó, với tư cách là tự ý thức, nó mang hình thái
lịch sử của trào lưu Khai sáng; đấy chính là phản đề duy lí đối với tinh thần
tôn giáo trung cổ. Tuy nhiên bước tổng hợp chỉ có thể có được một khi lí trí
ban hành các định luật cho mình ngay trong thế giới ngoại lai và tự thực hiện
nó: Đây là trường hợp của ý thức đạo đức. Bước tổng hợp, hay hợp đề này lại trở
thành một chính đề mới, lúc mà ý thức đạo đức với tư cách là "thói ngông
cuồng tự kỉ" muốn cải tạo thế giới chỉ dựa theo cảm xúc. Đó là thời điểm
mà Tinh thần thế giới mang tên Rousseau, đội lên đầu chiếc mũ đỏ của phái
Jakobin và bắt đầu cuộc cách mạng Pháp.
Hệt như trong một tiểu
thuyết giáo dục, Tinh thần thế giới trải qua những nhầm lẫn và ngày càng leo
cao hơn trên chiếc thang nhận thức, cho tới thời điểm mà với Hegel nó đạt đến
nấc thang tột đỉnh. Đấy chính là trạng thái của sự tự thông suốt tuyệt
đối (Tự thức nhận). Ở đây Tinh thần tuyệt đối biến thành kí ức của chính nó.
Lịch sử của tính đồng nhất và tính đồng nhất của lịch sử giờ đây ôm chầm lấy
nhau trong một tinh thần hoà giải âu yếm.
Với dự thảo này Hegel đã
gắn kết lịch sử và triết học dưới hình thức của một cuốn tiểu thuyết. Tiểu
thuyết về phiá nó cũng trải qua một cuộc đảo lộn Copernicus à la Kant:
Tương tự như cái Tôi siêu việt không còn là một phần của thế giới ngoại hiện
nữa mà là khởi thủy của nó, nay cái Tôi trần thuật cũng rút lui khỏi thế giới
tiểu thuyết nhằm để mô tả các diễn biến từ cái nhìn của nhân vật. Nhân vật tiểu
thuyết thông qua việc nếm trải hàng loạt các biến cố khủng hoảng ngày sẽ càng
mở rộng tầm nhìn của mình và rốt cuộc có được cái nhìn thấu thị về kinh lịch
của bản thân và đạt tới mức hiểu biết của cái Tôi trần thuật. Tương tự như vậy,
Hegel điều chỉnh góc trần thuật của mình sao cho phù hợp với tầm nhìn của từng
thời đại một, xác định sự dị biệt giữa "Tinh thần thời đại", đầy hạn
chế và những gì mà nó không thể bao quát nổi như một mâu thuẫn biện chứng, dẫn
dắt Tinh thần thế giới trải qua một loạt những cuộc khủng hoảng biện chứng để
đi đến sự thức nhận về lịch sử của nó, cho tới khi mà nó có thể đạt tới tầm
hiểu biết vạn năng của chính Hegel.
Qua đó, Hegel biến con
người thành các nhân vật tiểu thuyết. Con người giờ đây sắm một vai trò
nhất định trong lịch sử thế giới và có thể tự thực hiện mình với tư cách là kẻ
đỡ đầu của Tinh thần. Tuy nhiên cũng thật khốn nạn cho cho ai đó dám cưỡng lại
sứ mạng của lịch sử: y sẽ bị bánh xe của nó nghiền nát không thương tiếc.
Với Hegel một tấn kịch
mới đã được mở màn trong đời sống tư tưởng châu Âu, lịch sử từ nay về sau sẽ
trở thành một mô hình hiện thực mang tính khuynh loát. Cuộc chạy đua
dành quyền bình luận về lịch sử bắt đầu từ đây. Ai có được quyền uy bình luận
lịch sử, kẻ đó sẽ là người chiến thắng, bởi lẽ qua đó y sẽ được trao sứ mệnh
dành chính quyền và thúc đẩy lịch sử tiến lên theo tinh thần của mình. Quyền
bình luận lịch sử ở một quy mô tối cao còn được gọi là hệ tư tưởng (khái niệm
này lúc đầu nhằm chỉ một hệ ý thức hệ sai trái xuất phát từ những quyền lợi vô
thức). Với Hegel thời đại của các hệ tư tưởng được biện giải trên phương diện
lịch sử đã được khởi đầu.
Triết học Hegel đặc biệt
phổ biến ở Đức và Nga, nơi mà trí thức hầu như không thu thập được những kinh
nghiệm chính trị thực tiễn nào. Và bởi vì đánh đồng thực tại với tiểu
thuyết, họ đã biến thành những kẻ Đông Kisốt. Đấy là lí do vì sao mà - so với
các nước Tây Âu khác - ở nước Đức thế kỉ 19 hầu như chẳng xuất hiện một tác
phẩm tiểu thuyết lớn nào. Người Đức đã có hẳn một pho tiểu thuyết của lịch sử.
Tiểu thuyết gia lớn nhất là Hegel, và độc giả say sưa nhất của ông là Karl
Marx.
Karl Marx (1818-1883)
Hegel có cả một đàn con,
người thì thừa kế gia sản, kẻ lại đào mồ chôn cha mình. Karl Marx làm cả
hai việc. Ông tiếp nhận toàn bộ mô hình của Hegel cùng với biện chứng pháp như
là động cơ của lịch sử, nhưng "đặt ngược nó từ đầu xuống chân" như
ông nói. Thực tại đối với Marx không phải tinh thần, mà là vật chất. Điều quyết
định đối với một nền văn hoá là hình thái mà trong đó một xã hội bảo đảm cho sự
sinh tồn vật chất của mình, có nghĩa là cơ cấu kinh tế của nó. Ở giai đoạn
phong kiến mang đặc trưng nông nghiệp giới quý tộc giữ vai trò thống trị, trong
chế độ tư bản được quy định bởi nền sản xuất công nghiệp giai cấp tư sản lại
nắm giữ vai trò này. Mâu thuẫn biện chứng ở đây không phải là mâu thẫn giữa ý
thức và tự ý thức, mà là giữa điều kiện sản xuất và quyền sử dụng bất bình đẳng
đối với tư liệu sản xuất, giữa lao động và quan hệ sở hữu. Mâu thuẫn này dẫn
tới sự phân chia con người thành các giai cấp khác nhau, và như vậy động lực
của lịch sử chính là đấu tranh giai cấp. Tuy nhiên ở đây Marx đã quay trở lại
lối lập luận của Hegel khi ông cho rằng có một mâu thuẫn tồn tại giữa ý thức tự
phát và tự ý thức của một giai cấp. Tự ý thức đó được Marx gọi là ý thức giai
cấp. Nó chính là bao tử cung mà trong đó ý chí cách mạng dần dần chín muồi.
Xuất phát từ những tiền đề này, quá trình lịch sử hấp dẫn nhất đối với Marx
chính là tấn kịch của cuộc Cách mạng Pháp. Nảy sinh từ các mâu thuẫn của xã hội
phong kiến, cuộc cách mạng này trở thành hình mẫu cho một viễn cảnh tương lai
sẽ đến khi mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản đẩy các xung đột giai cấp lên tới
đỉnh điểm. Đó là thời điểm mà đám đông vô sản bị bần cùng hoá đối mặt với một
thiểu số các nhà tư bản thông qua việc bóc lột công nhân đã giành về tay mình
toàn bộ quyền chiếm hữu tư liệu sản xuất. Sở dĩ phải gọi là bóc lột bởi vì nhà
tư bản không trao lại cho người công nhân một giá trị tương ứng với thành quả
lao động của người đó, mà chỉ trả một phần đảm bảo sinh hoạt tối thiểu và giữ
lại cho mình phần lợi nhuận, hay còn gọi là giá trị thặng dư. Giai cấp tư sản
có thể làm điều này một cách dễ dàng thông qua việc khuếch trương những tư
tưởng lừa mị về cái gọi là "các quy luật khách quan của thị trường".
Và bởi vì đồng tiền làm lẫn lộn ý thức về giá trị, giá cả hàng hoá hiện lên như
là giá trị khách quan của nó. Trong thực tế nó chỉ là chiếc lá nho phủ lên các
quan hệ sở hữu bất công. Nhiệm vụ đầu tiên của một nhà Mác-xit do vậy là phải
đập tan các ảo giác tư tưởng hệ. Người ta có thể nhận dạng hệ tư tưởng căn cứ vào
phương thức nhà tư bản rao bán các quyền lợi của giai cấp tư bản như là quyền
lợi của toàn xã hội. Qua đó toàn bộ nền văn hoá tư sản đều trở nên đáng ngờ
vực. Và như vậy chủ nghĩa Marx trở thành một thứ trường học cao cấp của nghệ
thuật lột mặt nạ. Các hệ thống biểu tượng văn minh được vạch trần. Công việc
này đã làm xuất hiện biết bao thế hệ của các nhà thám tử coi việc lột mặt nạ
của Thượng đế và thế giới và chỉ mặt đặt tên những kẻ bóc lột trá hình là sự
nghiệp chính của cuộc đời mình. Thái độ đa nghi tư tưởng hệ mang tính phổ quát
cung cấp cho chủ nghĩa Mác cả một hệ thống miễn dịch, bởi bất cứ mỗi một địch
thủ nào đều có thể được nó biến thành một trường hợp ứng dụng cho lí thuyết: Ai
chống đối, đó là một kẻ thù giai cấp hoặc ít nhất là một kẻ bị mơ hồ về lập
trường.
Chú thích
[1]Tiếng
Anh trong nguyên bản: Người da trắng, gốc Ănglô-Xắc xông và theo Đạo Tin lành
[2]Tên một dòng sông chảy qua Israel và
Jordani, trong Kinh Thánh là biểu tượng cho nơi khởi đầu của Miền đất hứa
Nguồn: Dietrich Schwanitz, Bildung - Alles,
was man wissen muß, Wilhelm Goldmann Verlag, München 2002, S. 430 - 436
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét