Thơ trữ tình
A.Puskin
trong chương
trình THPT Việt Nam
Đỗ Hải Phong
A.Puskin “không chỉ là nhà thơ
Nga vĩ đại của thời đại mình, mà còn là nhà thơ vĩ đại của tất cả các dân tộc,
tất cả các thời đại, là thiên tài của châu Âu, là vinh quang của toàn trái
đất”(V.Bêlinxki).
Ở Việt Nam, thơ trữ tình
Puskin được một số nhà thơ có uy tín như Xuân Diệu, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông,
Nguyễn Xuân Sanh bắt đầu dịch và giới thiệu trên báo chí từ sau hòa bình lập
lại 1954. Tập Thơ trữ tình Puskin được xuất bản lần đầu tiên ở Việt Nam
vào năm 1966 với sự tham gia tích cực của dịch giả Thuý Toàn. Cho đến nay,
Puskin là một trong những nhà thơ Nga được dịch nhiều nhất ở Việt Nam và có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều thế hệ
độc giả cũng như nhiều nhà thơ Việt Nam .
Thơ trữ tình Puskin được đưa
vào chương trình lớp 11 THPT Việt Nam từ đầu những năm 1990. Trong
sách giáo khoa (SGK) Văn học lớp 11 (chỉnh lý hợp nhất năm 2000) bài thơ “Con
đường mùa đông” và bài “Tôi yêu em” của Puskin với tư cách là những bài Giảng
văn chính thức được đưa vào Bài số 4 - Phần VHNN và LLVH (Tập II). Trong chương
trình SGK Ngữ văn 11 thí điểm (bộ I, II - 2004) A.Puskin chỉ còn được giới
thiệu bằng một lời Tiểu dẫn vào Bài đọc thêm “Tôi yêu em” qua bản dịch thơ của
Thuý Toàn, không có bản dịch nghĩa. Từ năm 2006, khi hợp nhất chương trình hai
bộ SGK Ngữ văn THPT bài thơ “Tôi yêu em” của Puskin lại được coi như một bài
Giảng văn.
Trong bài viết này tôi xin
đóng góp ý kiến về một số vấn đề biên soạn và hướng dẫn đọc hiểu thơ trữ tình
của Puskin trong chương trình THPT Việt Nam trên cứ liệu của bài thơ “Tôi
yêu em”.
1. Với tư cách là “khởi đầu
cho mọi sự khởi đầu trong văn học Nga” (M.Gorki), với phong cách thơ hài hoà
đến hoàn mỹ, giản dị, khoẻ khoắn, tràn ngập sức trẻ, Puskin tổng hòa vào trong
mình những gì tinh túy nhất của các phong cách văn chương, các thời đại và các
nền văn hóa để trở thành nhà văn độc đáo nhất mà cũng phổ quát nhất trong số
tất cả những nhà văn Nga, "người duy nhất nói tiếng nói mới" - tiếng
nói "toàn nhân loại" - trong văn học Nga (F.Đôxtôiepxki). Lưu ý đến
những đặc điểm nội tại trong thơ trữ tình Puskin, xét đến mối quan hệ tương
quan văn hoá giữa nước ta với nước Nga, có thể khẳng định rằng Puskin xứng đáng
là một trong những tác gia quan trọng được chọn giảng trong chương trình văn
học nước ngoài trong nhà trường THPT của chúng ta.
Mỗi tác gia, tác phẩm được đưa
vào chương trình THPT đều cần kèm theo phần Tiểu dẫn. Phần Tiểu dẫn về tác gia
dù ngắn gọn cũng phải giới thiệu khái quát được đường đời, nhóm đề tài, tác phẩm
chủ yếu, đặc điểm phong cách nổi bật của tác gia đó. Tiểu dẫn về tác phẩm phải
giới thiệu được xuất xứ, hoàn cảnh ra đời, phần nào gợi ý được hướng tiếp cận
văn bản tác phẩm. Có lẽ vì bài thơ “Tôi yêu em” của Puskin chỉ được coi là một
Bài đọc thêm trong chương trình SGK thí điểm (2004), cho nên tôi nhận thấy phần
giới thiệu về Puskin và bài thơ này trong cả hai bộ sách thí điểm đều quá sơ
lược và thậm chí còn có điểm không chính xác. Đây là một bước lùi so với bài
giới thiệu công phu trước đây trong SGK Văn học chỉnh lý hợp nhất năm 2000 [8,
48-51].
Trong tập 1 SGK Ngữ văn 11 thí
điểm bộ II, Puskin được giới thiệu trong ba dòng: “A-lếch-xan-đrơ
Xéc-ghê-ê-vích Pu-skin (1799-1837) là nhà thơ Nga vĩ đại, người đặt nền móng
cho văn học hiện thực Nga thế kỷ XIX. Pu-skin được tôn vinh là “Mặt trời của
thi ca Nga”(Léc-môn-tốp), “Mùa xuân của văn học Nga, người khởi đầu cho mọi sự
khởi đầu”(Gô-gôn)” [5, 257]. Lời giới thiệu này chủ yếu chỉ đánh giá vị trí của
Puskin trong văn học Nga. Hai câu trích trong đó có chú giải xuất xứ không
chính xác: “mặt trời của thi ca Nga” không phải là lời của Lermôntôp mà là hàng
tít trên một tờ báo Nga báo tin nhà thơ qua đời; “khởi đầu cho mọi sự khởi đầu”
vốn là lời nhận định về Puskin của M.Gorki, chứ không phải của Gôgôn.
Theo tôi, khi đưa bài thơ của
Puskin về lại vị trí bài giảng văn của nó, trong phạm vi có thể, các nhà biên
soạn SGK nên chú ý giới thiệu rõ hơn về thân thế sự nghiệp của Puskin, nên có
đôi lời về Puskin như “ca sĩ của tự do” về đặc điểm của mảng thơ thể hiện “vẻ
đẹp nội tâm của con người”, khả năng vượt qua mọi buồn đau của cuộc đời nhờ ý
thức về qui luật vận động của cuộc sống, điểm tựa cội nguồn dân tộc, điểm tựa
tình người (sự sẻ chia, tình yêu, tình bạn), khát vọng sáng tạo. Đặc biệt cần
khắc họa được đặc điểm nổi bật trong phong cách sáng tác của nhà thơ: khả năng
tổng hoà các khuynh hướng đối nghịch trong một chỉnh thể động – vận động tâm
trạng của nhân vật trữ tình. Sự hài hòa cả về hình thức lẫn nội dung đạt được
nhờ khả năng hóa giải, hòa nhập và chuyển hóa các thành tố khác biệt vào nhau
trong xu thế vận động tâm trạng cái “tôi” của nhân vật trữ tình, mà cũng là cái
“ta” chung của dân tộc, thời đại, nhân loại là một trong những đặc điểm nhận
diện thơ Puskin trong toàn bộ kho tàng thơ ca Nga và thế giới.
Phần Tiểu dẫn về xuất xứ bài
thơ “Tôi yêu em” trong cuốn SGK thí điểm nói trên cũng có một số thiếu sót. Khi
nhắc đến “thời kỳ sống ở Xanh Pê-téc-bua, Pu-skin thường hay lui tới nhà viên
Chủ tịch Viện Hàn lâm nghệ thuật Nga... cũng vì cô con gái chủ nhà”[5, 257],
người biên soạn không lưu ý rằng Puskin bắt đầu lui tới nhà Chủ tịch Viện Hàn
lâm nghệ thuật Nga A.N.Ôlênhin từ “thời kỳ sống ở Pêterbugr”, tức là từ năm
1817, khi ấy cô con gái nhà này (sinh năm 1808) mới chỉ là một cô bé 9 tuổi,
trở về sau khi đi đày, vào mùa thu, đầu đông năm 1827 nhà thơ mới gặp lại cô ta
lúc này đã là thiếu nữ, tình yêu thực sự chỉ có thể bắt đầu từ đó và nó dẫn đến
lời cầu hôn không được chấp nhận vào năm 1828. Một điểm nữa cần lưu ý: tên họ
của cô gái là Anna Alêchxâyepna Ôlênhina chứ không phải là “A.A.Ôlênhia” [5,
257] như người biên soạn chú thích.
Cần nói thêm rằng bài thơ “Tôi
yêu em” (lần đầu tiên được in trên almanach “Những bông hoa phương bắc” năm
1830) có hai phương án xuất xứ: 1).Phương án thứ nhất: theo lời của người cháu
gọi Anna Ôlênhina bằng bà thì năm 1829 Puskin có chép bài thơ này vào albom
tặng Ôlênhina, dưới bài thơ có ghi thêm “Plus-que-parfait” đại ý nói về tình
yêu như chuyện đã qua, nhưng bút tích này hiện không còn lưu giữ được [1, 288];
2). Phương án thứ hai: dựa trên sự gần
gũi về ý thơ của bài “Tôi yêu em” và bài “Một chút tên tôi đối với nàng” và hai
bức thư của Puskin ngày 2/2/1830, nhà nghiên cứu B.P.Gôrôđetski cho rằng bài
thơ “Tôi yêu em” được viết tặng “người đàn bà mê hồn thật sự” người Balan là
Karôlina Ađamôpna Xôbanxcaia (1794-1885) (Puskin làm quen với bà ở Kiev từ năm
1821 khi bà ta đã bỏ người chồng đầu được 5 năm, sau đó nhà thơ gặp lại bà ở
Pêterbugr vào cuối năm 1829, bài thơ “Tôi yêu em”, theo Gôrôđetski, có lẽ đã
được tặng cho Xôbanxcaia chính trong khoảng thời gian này, còn bài thơ Một chút
tên tôi đối với nàng được nhà thơ đã ghi vào albom tặng bà ngày 5/1/1830) [3,
373-374]. Hai phương án xuất xứ của bài thơ “Tôi yêu em” đã được GS.Nguyễn Hải
Hà đề cập đến trong cuốn Để dạy tốt văn 11 CCGD (Nxb ĐHSP Hà Nội I, 1991) [2,
69-75]. Tất nhiên, lời Tiểu dẫn trong SGK không thể đưa ra tất cả những chi
tiết rắc rối trên về xuất xứ của bài thơ, nhưng khi vấn đề còn chưa ngã ngũ có
lẽ cũng không nên có những lời lẽ khẳng định tuyệt đối một phương án nào và cần
có chú giải cặn kẽ trong Sách giáo viên (SGV) bởi nó quyết định hướng đọc hiểu
bài thơ: theo phương án xuất xứ thứ nhất có thể phân tích bài thơ theo hướng
nhân vật trữ tình yêu mà có lẽ không được đáp lại (vì lý do chủ quan hoặc khách
quan); theo phương án thứ hai lại có thể nói về môtip “tình yêu hồi sinh trong
lần gặp lại” rất phổ biến trong thơ tình yêu của Puskin (“Gửi***”-1825, “Một
chút tên tôi đối với nàng...”-1830)
Việc giới thiệu tác gia - tác
phẩm trong chương trình THPT đã là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn chính
là phải có được một bản dịch thơ tốt và một bản dịch nghĩa trung thành hết mức
có thể với nguyên bản.
Trong việc giảng dạy văn học
nước ngoài ở nhà trường phổ thông chúng ta sử dụng bản dịch thơ là chính, nhưng
không thể không lưu tâm đến bản dịch
nghĩa. GS. Phùng Văn Tửu trong công trình “Cảm thụ và giảng dạy Văn học nước
ngoài” (2003) đã phân tích những khó khăn trong việc chuyển ngữ thơ nước ngoài,
xác định rõ việc “thưởng thức văn chương mỗi nước từ chính nguyên bản là điều
lý tưởng, nhưng cũng là “ảo tưởng” bởi “người tự hào thông thạo một ngoại ngữ
nào đấy cũng không thể nắm bắt hết các khía cạnh tinh vi bằng người sử dụng
ngôn ngữ ấy như tiếng mẹ đẻ” và đi đến kết luận: “chúng ta vẫn cần giảng dạy Văn
học nước ngoài cho học sinh và chủ yếu thông qua các bản dịch” [6, 21]. Nhất
trí với quan điểm này, dù sao tôi vẫn cho rằng trong việc giảng dạy thơ dịch
(hay văn học dịch nói chung) việc làm sáng tỏ nguyên ý của tác giả trong nguyên
bản (trong khả năng có thể) là rất cần thiết, nếu không ta dễ lâm vào tình
huống tráo đổi đối tượng và mục đích: tán tụng cái hay cái đẹp của bản dịch,
dịch giả thay vì bình giảng cái hay cái đẹp của nguyên tác, tác giả. Làm sáng
tỏ nguyên ý của tác giả tất nhiên không có nghĩa là đòi hỏi phải học sinh phải
tiếp xúc trực tiếp được với nguyên bản bằng tiếng nước ngoài, cũng không có
nghĩa là dịch lại những chỗ không chính xác ghép nối vào bản dịch thơ đã có.
Việc giảng dạy thơ chữ hán đã đem lại cho chúng ta một kinh nghiệm quí báu: bên
cạnh bản dịch thơ dù tốt đến đâu vẫn cần một bản dịch nghĩa chuẩn xác hết mức
có thể. Một bản dịch nghĩa chuẩn xác đi kèm bản dịch thơ sẽ giúp cho giáo viên
phổ thông cũng như học sinh không quá sa đà vào việc bình giá câu chữ, thủ pháp
và ý tưởng của dịch giả chứ không phải của tác giả. Trên thực tế, không thể đòi
hỏi một bản dịch nghĩa chuẩn xác tuyệt đối, nhưng đưa ra một bản dịch nghĩa gần
với nguyên tác hết mức có thể dù sao vẫn là công việc cần thiết của người biên
soạn SGK. Trong giờ học, tất nhiên, giáo viên phổ thông không thể chăm chăm vào
việc đối chiếu bản dịch thơ với bản dịch nghĩa, nhưng khi sử dụng bản dịch thơ
làm đối tượng chính vẫn cần có chú giải những chỗ bản dịch thơ có thể đi quá xa
khỏi nguyên tác.
Bài Tôi yêu em của Puskin ở Việt
Nam
có nhiều bản dịch thơ, nhưng thành công hơn cả và phổ biến hơn cả vẫn là bản
dịch của Thuý Toàn. Tuy vậy, nếu so sánh bản dịch với nguyên tác chúng ta có
thể thấy bản dịch đã đánh mất nhiều điều liên quan đến nguyên ý của tác giả.
Không thể sửa thơ Thuý Toàn, chúng ta vẫn có quyền đòi hỏi một bản dịch nghĩa
sát hơn với nguyên bản. Bản dịch nghĩa trong tập II, SGK Văn học 11 (chỉnh lý
hợp nhất năm 2000) [8, 55] chưa đáp ứng được điều đó. Cố gắng sát hết mức với
nguyên tác, ta có thể tạm đưa ra một bản dịch nghĩa như sau:
* * *
Tôi
đã yêu cô: tình yêu còn, có thể là,
Trong
tâm hồn tôi lụi tắt chưa hoàn toàn;
Nhưng
hãy để nó không làm cô băn khoăn thêm nữa;
Tôi
không muốn làm cô buồn vì bất cứ lẽ gì.
Tôi
đã yêu cô không lời, không hy vọng,
Khi
thì bị sự rụt rè, khi thì bị thói ghen tuông giày vò;
Tôi
đã yêu cô chân thành như thể, đằm thắm như thể,
Cầu
trời ban cho cô được yêu bởi một người khác.
So sash
với nguyên bản:
* * *
Я вас любил: любовь еще, быть может,
В душе моей угасла не совсем;
Но пусть она вас больше не тревожит;
Я не хочу печалить вас ничем.
Я вас любил безмолвно, безнадежно,
То робостью, то ревностью томим;
Я вас любил так искренно, так нежно,
Как дай вам бог любимой быть другим.
Trong bản dịch nghĩa tôi cố gắng giữ nguyên các dấu câu, trật tự từ, phần lớn các biện pháp tu từ và cả những chỗ Puskin cố tình phá vỡ nguyên tắc lôgich và cú pháp, chính vì vậy mà câu văn có thể trở nên không hoàn toàn thuần Việt. Tuy nhiên, yêu cầu trước hết đối với một bản dịch nghĩa là sát nghĩa, trung thành với nguyên bản hết khả năng có thể. Bản dịch thơ bằng sức quyến rũ của cảm xúc hấp dẫn người đọc đến với bài thơ, bản dịch nghĩa đưa người yêu thơ đến gần hơn với nguyên bản bằng sự chính xác và lôgich của trí tuệ.
2. Khi đọc hiểu một bản dịch thơ từ tiếng nước ngoài, dù người dịch có giỏi đến đâu chăng nữa, chúng ta cũng phải chấp nhận bỏ qua nhiều yếu tố hình thức thơ vô cùng quan trọng như thể thơ, vần điệu, nhịp điệu... để tập trung nhiều hơn đến ý tứ của bài thơ (cái ý tứ mà phần nhiều lại toát ra chính từ những yếu tố hình thức kia). Chính vì vậy mà “những gì bản dịch còn giữ lại được, nhất là về mặt hình thức của thơ, chúng ta nên chú ý khai thác, nhất là khi những dấu hiệu hình thức ấy nói lên đặc điểm nghệ thuật dân tộc của nguyên bản hoặc liên quan đến nội dung thơ và ý đồ sáng tạo của thi sĩ” [6, 29]. Cần nói thêm rằng ta không chỉ khai thác những gì còn giữ lại được trong bản dịch thơ, mà cần khai thác thêm từ bản dịch nghĩa, đối chiếu với bản dịch nghĩa để xác định độ chính xác so với nguyên bản của những yếu tố hình thức phát hiện được trong bản dịch thơ. Hơn thế, cả những gì thuộc về hình thức ngôn từ liên quan đến cấu tứ nghệ thuật mà bản dịch thơ, thậm chí cả bản dịch nghĩa, không giữ lại được có lẽ cũng nên được chú giải trong SGV. Người giáo viên phổ thông cần có vốn kiến thức rộng hơn những gì được nói ra trên giờ học. Nắm được những yếu tố căn bản của cấu tứ nghệ thuật trong nguyên bản, người giáo viên sẽ giúp cho học sinh không bị sa vào chỗ “nói bừa” theo bản dịch thơ, có thể đi trệch khỏi nguyên ý của tác giả. Còn việc lựa chọn yếu tố hình thức nào để nói với đối tượng nào tuỳ thuộc vào giáo viên thực hiện trong hoàn cảnh cụ thể. Có như vậy mới phát huy được tính tích cực, chủ động của người giáo viên cũng như của học sinh.
Trong mỗi bài thơ trữ tình của Puskin thường có thể thấy hai khuynh hướng vận động tâm trạng trái ngược như những thái cực được triển khai đồng thời để sau đó được hoá giải một cách bất ngờ như một nghịch lý.
Trong bài “Tôi yêu em” (ta vẫn tạm gọi bằng cái tên này theo Thuý Toàn, mặc dù chính xác hơn lẽ ra phải gọi là "Tôi đã yêu cô": động từ yêu được chia ở thì quá khứ, đại từ nhân xưng ngôi thứ hai số ít ở thể gián tiếp được dùng với nghĩa trang trọng, xa cách) ta có thể thấy mâu thuẫn giữa cố gắng dập tắt tình yêu của nhân vật trữ tình và sự trỗi dậy của tình yêu đó. Đó là mâu thuẫn giữa lý trí và tình cảm.
Theo dấu chấm câu, có thể thấy bài thơ chia làm hai phần rõ rệt ứng với hai khổ thơ 4 câu, mỗi phần lại chia nhỏ 2 câu thành một cặp. Thoạt tiên có cảm giác là hai khổ thơ có kết cấu như nhau: hai câu đầu kể về lịch sử tình yêu trong mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại, hai câu sau là lời tuyên bố chấm dứt tình yêu vì hạnh phúc của người mình yêu hướng tới tương lai. Tuy nhiên, xem xét kỹ có thể thấy sự tăng tiến mâu thuẫn từ khổ I sang khổ II dường như kết nối hai khổ lại thành một cấu trúc thống nhất cả tám câu thơ vận động theo mạch tâm trạng của nhân vật trữ tình. Mạch tâm trạng ấy phát triển theo ba giai đoạn ứng với ba lần lặp lại của điệp ngữ: “Tôi đã yêu cô”.
Mở đầu bài thơ là một lời khẳng định tình yêu, nhưng có thể thấy trong lời khẳng định ấy sự cố gắng của lý trí muốn đẩy “tình yêu” vào quá khứ (“đã yêu”), gián cách mình với người mình yêu (“cô”). Theo mạch lôgich, nhân vật trữ tình muốn khẳng định “tình yêu... đã lụi tắt”, nhưng ngay sau khi nhắc lại từ “tình yêu” thì cố gắng của lý trí vấp phải vô vàn trở ngại tình cảm. Bất chấp cả nguyên tắc ngữ nghĩa và cú pháp, giọng thơ trở nên ngập ngừng, trăn trở: “tình yêu còn, có thể là,/ trong tâm hồn tôi...”, rồi ngay khi từ “lụi tắt” đã được nói ra thì lập tức tác giả chua thêm “chưa hoàn toàn”. Từ nối “Nhưng” cùng với những từ mạnh thể hiện quyết tâm như “hãy để... không...”, “không muốn... bất cứ lẽ gì” thể hiện sự gồng lên của lý trí để thoát ra, đoạn tuyệt với tình trạng lưỡng phân ở hai câu đầu. Vậy mà trạng thái lưỡng phân phần nào vẫn được thể hiện qua sự phân tách “nó” (tức là “tình yêu” dường như tồn tại một cách khách quan ở bên ngoài) ra khỏi chủ thể “tôi” - quyết tâm dường như phải đi từ ngoài vào trong: từ “nó không” đến “tôi không”. Lý do của sự gồng lên của lý trí để dập tắt tình yêu là “không làm cô băn khoăn”, “không làm cô buồn”. Thực chất đó không phải là sự phủ nhận tình yêu mà chính là sự thể hiện tình yêu dưới hình thức phủ định.
Theo đúng qui luật, tình cảm càng bị dồn nén thì nó lại càng bung ra mãnh liệt hơn. Lời khẳng định tình yêu trong quá khứ “Tôi đã yêu cô” được láy lại ở đầu câu 5 dường như trút bỏ phần nào sự kiềm toả của lý trí để khẳng định tình cảm, nhưng vẫn là khẳng định qua sự phủ định: “Tôi đã yêu cô không lời, không hy vọng...” . Dưới dạng hồi ức, hai câu 5-6 là sự trào lên của tình cảm day dứt như một lời kể lể vô vọng với yếu tố láy “không... không...”, “khi thì... khi thì...” (trong nguyên bản điệp từ “khi thì... khi thì...” - “то...
то...” còn láy với cả từ “giày vò” - “томим” nữa). Hai câu thơ nhấn mạnh các sắc thái biểu hiện của một tình yêu dường như ngay từ đầu đã không có triển vọng. Các sắc thái ấy được kết hợp để nhấn mạnh cảm giác bức bối: “không lời” ứng với “rụt rè” không thể hiện ra được, “không hy vọng” ứng với “ghen tuông” (Thuý Toàn dịch rất đạt là: “hậm hực lòng ghen”). Những biểu hiện hướng ngoại mà không thoát ra ngoài được ấy cuối cùng được chuyển sang một cung bậc khác sâu sắc hơn.
Câu ba của khổ II láy lại lời khẳng định tình yêu “Tôi đã yêu cô” một cách trọn vẹn nhất với điệp từ “như thể... như thể...” nhấn mạnh hai sắc thái kết tinh bản chất của tình yêu: “chân thành”, “đằm thắm”. Điệp từ “như thể... như thể...” còn đồng thời là liên từ so sánh. Mạch vận động tình cảm dồn dập tăng tiến cùng với hàm ý so sánh tuyệt đối. Theo đúng mạch lôgich và cú pháp câu thơ tiếp phải là: “Không ai yêu cô được như thế”. Nhưng bất chấp nguyên tắc lôgich và cú pháp, hàm ý so sánh đột ngột bị bẻ gãy, câu thơ cuối trở thành một lời cầu chúc: “Cầu trời ban cho cô được yêu bởi một người khác”. Đằng sau lời cầu chúc ấy tất nhiên ẩn một cái “tôi”, nhưng thật kỳ lạ là nó lại kết hợp được với “em”, hạnh phúc của “em” và cả “người khác” nữa. Lý trí nhân danh hạnh phúc của người mình yêu (“cô được yêu”) hoá giải hàm ý so sánh vị kỷ, biến nó thành lời cầu chúc “chân thành” chứ không miễn cưỡng như ở câu thơ 3-4 nữa, nhưng mạch tình cảm không mất đi một cách trớ trêu, nó đọng lại trong từ “người khác” vừa cao thượng vừa chua xót được nói ra cuối cùng trong bài thơ ở thể bị động. Theo tôi, câu thơ không có “ý vị mỉa mai” như nhà nghiên cứu R.Iacôpxơn khẳng định [4, 489], có chăng chỉ là đau xót vì “sự trớ trêu của số phận” (“ирония судьбы”) mà thôi.
Như vậy, mâu thuẫn tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ được hoá giải không phải bằng sự giảm thiểu các xung chấn trái ngược mà bằng sự gia tăng chúng lên tới đỉnh điểm để chúng có khả năng hoà vào nhau trong một kết hợp lưỡng trị. Đó là sự hài hoà của một chỉnh thể động. Bài thơ nói về một tình yêu cao thượng, không vị kỷ, nhưng không kém phần đau xót. Đúng như nhà phê bình V.Bêlinxki nhận định: “Trong thơ của Puskin có bầu trời, nhưng bầu trời đó bao giờ cũng hoà với trái đất”. Chính nhờ có sự giao hoà của trái đất với bầu trời ấy mà nỗi buồn trong thơ Puskin luôn trở thành “sáng trong” như chính nhà thơ viết trong bài “Trên đồi Gruzia đêm xuống” (1829).
Trên đây, tôi đưa ra hướng đọc hiểu bài thơ “Tôi yêu em” chủ yếu theo bản dịch nghĩa. Trên thực tế ở nhà trường phổ thông, hướng phân tích này chỉ có giá trị tham khảo, nâng cao. Tuy nhiên, ta hoàn toàn có thể điều chỉnh để ứng dụng những điểm căn bản trong hướng đọc hiểu này cho bản dịch thơ của Thuý Toàn: kết cấu, mạch vận động của mâu thuẫn tâm trạng, một số biện pháp tu từ vẫn lưu giữ được trong bản dịch thơ này. Nắm được hướng phân tích này chúng ta sẽ không bị sa đà vào bình giá những gì không có trong nguyên bản. Hướng dẫn cho học sinh đọc hiểu chủ yếu theo bản dịch thơ, chúng ta vẫn cần chú giải về cách xưng hô, cách sử dụng thì của động từ, điệp từ và chú giải về câu thơ cuối theo bản dịch nghĩa. Có như vậy học sinh mới có thể thấy hết được vẻ đẹp của bài thơ mà không qui nó hoàn toàn về ý nghĩa “cao thượng đến mức không thật” như nhận định lâu nay của thậm chí một số giáo viên giảng dạy bài thơ này.
*
Thơ trữ tình A.Puskin, cũng như thơ nước ngoài nói chung, thuộc vào loại khó giảng, không dễ học, nhưng rất cần thiết trong việc nâng cao vốn văn hoá thế giới và giáo dục nhân cách cho học sinh trong nhà trường THPT. Chính vì vậy, trong bài viết này chúng tôi đưa ra một số kiến giải và kiến nghị về phương pháp biên soạn, giới thiệu, cũng như hướng dẫn đọc hiểu tác phẩm của nhà thơ Nga vĩ đại. Với tất cả sự ngưỡng mộ thiên tài của nhà thơ, với sự tôn trọng chứ không hạ thấp khả năng tiếp thu của học sinh THPT, chúng ta cố gắng vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao văn hoá của nhân loại chứ không hạ thấp đỉnh cao xuống cho vừa sức của chúng ta./.
HP 6.2006
(Bài đã đăng trên Tạp chí khoa học ĐHSP
HN, số 3-2006, tr.61-67)
Tài liệu tham khảo
1. Chereixki L.A. Puskin và những người xung quanh ông. Lêningrađ, 1975.
2. Để dạy tốt văn 11 CCGD. Phần VHNN và LLVH. Hà Nội, ĐHSP HN I, 1991.
3. Gôrôđetski B.P. Thơ trữ tình Puskin. Maxcơva-Lêningrađ, 1961.
4. Iacôpxơn R. O. Thi ca của ngữ pháp và ngữ pháp của thi ca.// Tín hiệu học. T.2. Maxcơva, 1983.
5. Ngữ văn 11 (SGK thí điểm bộ II), T.1. Hà Nội, Giáo dục, 2004.
6. Phùng Văn Tửu. Cảm thụ và giảng dạy Văn học nước ngoài. Tp HCM, Giáo dục, 2003.
7. Văn 11 (SGV). Phần VHNN và LLVH. Hà Nội, Giáo dục, 1991.
8. Văn học 11 (SGK chỉnh lý hợp nhất), T.2.
Hà Nội, Giáo dục, 2000.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét